Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thiếu vốn nên phải “mua ngay, bán ngay”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Do thiếu vốn, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN đã bỏ phí cơ hội nâng giá.
DN nước ngoài chiếm ưu thế
Hôm qua 9.7 tại TP.HCM, Bộ Công thương đã chủ trì hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm với sự tham dự của các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Thu hoạch cà phê ở Buôn Ma Thuột – Ảnh: D.Đ.M
Theo thống kê của Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm nay tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 32,47 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2009. Đối với nhóm hàng nông – thủy sản, ngoại trừ cà phê, các mặt hàng khác đều đạt tăng trưởng khá do giá tăng cao. Cụ thể xuất khẩu nhân điều tăng 26,2%, cao su tăng 82,5%, hạt tiêu tăng 40,8%, chè tăng 17,6%, thủy sản tăng 14,6%.
Xuất  khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 4,13 tỉ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ do lượng dầu thô giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 21,76 tỉ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng chủ lực tăng trưởng khá như dệt may tăng 17,6%, sản phẩm gỗ 34,2%, sản phẩm nhựa 25,5%, linh kiện điện tử và máy tính 32,7%. Ngoài ra, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là hóa chất tăng 247%, sắt thép 243%, sản phẩm từ cao su 94%, dây điện và cáp điện 87%…
Điều đáng nói là xuất khẩu tăng chủ yếu dựa vào nỗ lực của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là chính. Kim ngạch xuất khẩu của các DN khu vực FDI có mức tăng trưởng đến 40% (không kể dầu thô) trong khi DN trong nước chỉ tăng trưởng 6,4%.
Theo ông Nguyễn Thành Biên – Thứ trưởng Bộ Công thương – DN FDI đang tham gia xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp như dệt may, giày dép, máy vi tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dây cáp điện… Tuy nhiên, hiện nay tình hình đầu tư nước ngoài vào công nghiệp, công nghiệp chế biến đang giảm rất mạnh, trong khi lại tăng lên ở khu vực dịch vụ, bất động sản, chứng khoán… Điều này gây sức ép rất lớn đối với tình hình nhập siêu của VN.
Điệp khúc thiếu vốn
Khó khăn lớn nhất của các DN xuất khẩu hiện nay vẫn là thiếu vốn. Ông Nguyễn Văn Công – Phó chủ tịch Hiệp hội Điều VN – kiến nghị: “Các DN điều hiện đã chế biến gần hết lượng nguyên liệu trong kho, trong khi các đơn hàng đã ký và nhu cầu thu mua nguyên liệu vẫn còn rất nhiều. Cụ thể sản lượng điều thô còn trong dân vào khoảng 50.000 tấn, nhu cầu nhập khẩu thêm 300.000 tấn với tổng mức vốn cần có xấp xỉ 7.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay các DN điều chưa thể tiếp cận được với vốn ngân hàng. Nếu không có vốn để thu mua, chẳng những DN mất lợi nhuận trong năm 2010 mà hàng trăm ngàn công nhân cũng sẽ thất nghiệp”. 
Ông Trần Đức Tụng – Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu VN – đồng tình: “Năm 2010 là năm phát triển rất tốt của ngành hồ tiêu VN, giá tiêu trong nước đã tăng từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg. Với lợi thế sản lượng hồ tiêu lớn nhất thế giới, VN hoàn toàn có thể chủ động được giá bán để có lợi nhuận cao hơn, nhưng chính vì thiếu vốn, các DN và nhà vườn đã phải mua ngay, bán ngay. Đến cuối năm nếu giá hồ tiêu tăng lên thì lại ngồi tiếc rẻ”.
Ông Nguyễn Công Hòa – đại diện ngành hàng cà phê VN – bức xúc: “Vào tháng 3, giá cà phê rớt xuống thấp, Chính phủ đã tạo điều kiện để thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê để giữ giá. Chủ trương có từ tháng 4 nhưng đến tháng 6 các DN trong nước mới có thể tiếp cận hạn chế với nguồn vốn từ ngân hàng. Phải mất vài tuần mới có thể vay được vài tỉ đồng. Khi DN trong nước có vốn thì sản lượng cà phê trong dân đã được các DN nước ngoài mua hết. Sau đó tất nhiên họ đẩy giá lên để bán, thậm chí bán lại cho các DN trong nước vốn cần phải có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng đã ký. Điều này cho thấy nếu chủ trương đúng mà triển khai không đồng bộ thì cũng không mang lại hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách điều tiết tạm trữ nông sản thường xuyên, liên tục và ổn định chứ không chỉ “cứu đói” khi nguy cấp”.
Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Thành Biên thông tin: “Để điều hành xuất khẩu hiệu quả, sắp tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho DN”.
Quang Thuần / Thanh Nien

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)