Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thịt cóc chỉ nên dùng như thuốc

Tạp Chí Giáo Dục

Cóc có hai loại: cóc nhà (Bufo melanostictus Scheneider) và cóc rừng (Bufo galeatus Gunther), thuộc họ cóc (Bufonidae). Thịt cóc sau khi đã làm sạch và an toàn là một thực phẩm bổ dưỡng, một loại dược liệu quý.
Trong 100g thịt cóc có chứa: protid 53,37g (lớn hơn rất nhiều so với các loại thực phẩm khác, so với thịt bò 21g, thịt heo nạc 19g, thịt gà 20,3g, thịt vịt 17,8g, thịt ếch 20g), lipid 12,66g, ít glucid, tro 23,56g, độ ẩm 4,18%. Ngoài ra hàm lượng mangan (2,89mg) và kẽm (2,45mg) đều cao so với các loại thịt khác.
Trong protid của thịt cóc có nhiều acid amin có giá trị: asparagine, histidine, tyrosine, methionine, leucine, isoleucine, phenylalanine, tryptophan, cystein, threonine, acid glutamic, acid aminobutyric…
Như vậy, thịt cóc rất có giá trị về dinh dưỡng. Về mặt dược liệu, sách Nam dược thần hiệu của danh y Tuệ Tĩnh viết: “Thiềm thừ (con cóc), khi dùng bỏ hết ruột da, có tính bình, mát, hơi có độc, tác dụng tiêu bạt ung thư (ung sang, thư độc), chữa chó điên cắn, trẻ nhỏ bị cam tích, lở ngứa”.  
Thịt cóc đã làm sạch và an toàn có thể dùng nấu cháo, băm nhỏ với hành + muối để làm chả, tẩm dầu mè để nướng chín. Mỗi ngày ăn một con. Có thể dùng 4 – 5 ngày. Muốn dùng dạng bột thịt cóc thì đem phơi hoặc sấy khô, hoặc rang khô giòn, tán bột, cho vào hũ sành hoặc thuỷ tinh, để ở chỗ khô ráo, thoáng mát, tránh chỗ ẩm ướt.
Để chữa trẻ em suy dinh dưỡng, gầy còm, bụng ỏng, da vàng, dùng hai đùi cóc, phết dầu mè nướng chín, cho ăn lúc đói bụng.
Ăn liên tục 5 – 10 ngày. Có thể lóc thịt bằm nhỏ, nấu cháo cho ăn. Hoặc dùng bài thuốc: bột thịt cóc 100g, bột chuối tây chín phơi khô 150g, lòng đỏ trứng gà (hấp chín, sấy khô, tán bột) 20g. Tất cả trộn đều, làm thành viên, mỗi viên 4g. Ngày uống hai lần, mỗi lần hai viên với nước nóng, trước bữa ăn.
 Làm thịt cóc cần người có kinh nghiệm. Thịt cóc được làm thật sạch và phải kiểm tra cẩn thận trước khi sử dụng, vì đã từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc dẫn đến tử vong do chế biến không đúng cách. Tốt nhất nên nhờ những người chuyên làm thịt cóc chế biến, có sự theo dõi kỹ lưỡng.
Thịt cóc chỉ dùng làm thuốc, không nên sử dụng như một thực phẩm thông thường.     
Theo Lương y Đinh Công Bảy
Sài Gòn tiếp thị

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)