Trong khi thị trường thịt heo trong nước giá cao ngất ngưởng, thịt heo nhập khẩu được bán giá thấp chỉ bằng nửa giá, nhưng vẫn rất ít người mua.
Người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen mua thịt đông lạnh tại các điểm bán hàng hiện đại. Ảnh: Ngọc Dương
Giá thịt heo “nóng” cao gấp đôi thịt nhập
Theo số liệu từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến giữa tháng 3, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt heo và sản phẩm thịt heo, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn nhập khẩu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Mỹ 5,53%… Đặc biệt, trong tháng 3, sau khi Việt Nam mở cửa cho nhập khẩu thịt heo từ Nga với thuế suất nhập khẩu 0%, theo thông tin từ Cục Thú y, riêng nhập khẩu thịt heo từ thị trường Nga qua Tập đoàn Miratorg, đã có 1.500 tấn thịt heo cập cảng Cát Lái, Cái Mép (TP.HCM) và cảng Hải Phòng. Dự kiến trong tháng 4 và tháng 5 tới, sẽ có khoảng 2.000 tấn thịt heo đông lạnh từ Nga cập cảng Việt Nam để góp phần giải bài toán nguồn cung thịt heo trên thị trường.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, khẳng định khi thịt nhập từ Nga và các nước về nhiều, chắc chắn thị trường thịt heo sẽ “giảm nhiệt”, giá cả sẽ bình ổn hơn. Thế nhưng điều này vẫn chưa xảy ra, giá thịt heo trên thị trường vẫn đang cao ngất ngưởng.
Tham khảo bảng giá thịt heo nhập trên thị trường, đa số đều thấp hơn thịt heo “nóng” trong nước rất nhiều. Chẳng hạn, bảng giá bán lẻ thịt heo đông lạnh từ Nga của Công ty TNHH Nhiêu Lộc cao nhất có sản phẩm thịt ba chỉ rút sườn với giá 98.000 đồng/kg, thịt ba chỉ lạng sườn 92.000 đồng/kg, nạc đùi heo 80.000 đồng/kg, nạc vai heo 77.000 đồng/kg, ba chỉ sườn và da 83.000 đồng/kg. Tương tự, thịt heo đông lạnh nhập từ nhiều thị trường của Công ty thực phẩm Hữu Nghị cũng có giá khá mềm.
Cụ thể, chân giò trước nguyên cái 60.000 đồng/kg, chân giò cắt lát 51.000 đồng/kg, thịt heo xay 64.000 đồng/kg, đùi heo 93.000 đồng/kg, sườn sụn heo 84.000 đồng/kg, cốt lết 78.000 đồng/kg, xương ống heo Ba Lan 33.000 đồng/kg… Tại cửa hàng thịt đông lạnh JBS Food (Q.Tân Bình, TP.HCM), sườn sụn heo đông lạnh cũng chỉ bán giá 50.000 đồng/kg, ba chỉ heo 99.000 đồng/kg, bắp giò nạc heo 66.000 đồng/kg, nạc heo xay 65.000 đồng/kg, dựng heo (chân giò trước) chỉ 40.000 đồng/kg…
Có thể thấy, giá thịt heo nhập cao nhất cũng dưới 100.000 đồng/kg. Theo một số nhà nhập khẩu, giá có thể cao nhất lên 125.000 đồng/kg với các thị trường có thuế nhập khẩu cao như Ba Lan (15% thuế nhập khẩu), Canada (9% thuế nhập). Trong khi đó, thịt heo trong nước, nói nôm na là thịt “nóng” đang bán cao gấp đôi, gấp 1,5 lần với cùng một sản phẩm. Chẳng hạn, tại siêu thị Co.op Mart, sườn non giá 280.000 đồng/kg, ba rọi thường 179.000 đồng/kg, ba rọi rút xương lên đến 250.000 đồng/kg, sườn già 145.000 đồng/kg, cốt lết 200.000 đồng/kg. Bảng giá thịt heo bình ổn cũng cao gấp đôi giá thịt đông lạnh. Thịt nạc dăm 161.000 đồng/kg, vai heo 139.000 đồng/kg, thịt đùi heo 140.000 đồng/kg, ba rọi heo 179.000 đồng/kg, cốt lết 138.000 đồng/kg…
Bán rẻ cũng không ai mua
Ông Đinh Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Nhiêu Lộc, một trong những doanh nghiệp nhập khẩu thịt đông lạnh lớn nhất khu vực phía nam, cho biết lượng thịt công ty đặt mua khá nhiều nhưng thực sự giao đến nay chỉ mới hơn 200 tấn do hàng về phải được kiểm nghiệm thú y từng container hàng.
“Nếu hàng có về nhanh hơn thì chúng tôi cũng không thể bán ra nổi vì… không có người mua”, ông Thái cho biết. Giải thích rõ hơn, ông Thái nói xưa nay công ty nhập khẩu thịt chủ yếu bán cho các bếp ăn tập thể, chuỗi nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp và một số trường học, khối lượng mua theo thùng chứ không theo ký nên nay quán xá đóng cửa, nguồn hàng bán ra dừng lại.
“Không phải đến bây giờ chúng tôi mới nghĩ đến thị trường bán lẻ, đặc biệt trong bối cảnh giá thịt “nóng” trong nước quá cao, nhưng chào hàng giá rẻ đến mấy cũng không được các siêu thị mặn mà, vì họ nói rất rõ, khách hàng Việt không có thói quen ăn thịt đông lạnh. Trước mùa dịch Covid-19, thị phần hàng lạnh của cả nước chiếm không quá 10%, nhưng nay chỉ 2 – 3% là cao nhất, còn lại dân vẫn có thói quen mua thịt “nóng” để ăn nên hàng bán rất chậm”, ông Thái cho biết và dẫn chứng thịt heo “nóng” lên 200.000 đồng/kg vẫn có người mua, nhưng thịt đông lạnh nhập về bán 50.000 đồng/kg chưa chắc người dân chọn.
Ông T.N, một nhà nhập khẩu thịt đông lạnh, cho biết thịt đông lạnh nhập về giá rẻ nhưng bán không được do thị trường du lịch, bếp ăn tập thể đang “đóng” cửa hoàn toàn. Trong khi đó, chi phí để thông quan một container thịt đông lạnh hiện tại lên đến gần 1.000 USD/container bao gồm các phí kiểm nghiệm các loại, phí lưu kho bãi… “Chúng tôi đang kiến nghị các công ty kinh doanh tại cảng, các cảng, hãng tàu để có thể miễn, giảm phí lưu kho hỗ trợ nhà nhập khẩu trong mùa dịch Covid-19 này”, ông N. cho biết.
Theo nhân viên bán hàng tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhiều khách hàng vào mua thịt khi biết là thịt đông lạnh nhập khẩu, dù giá mềm hơn rất nhiều, vẫn “nâng lên đặt xuống” bởi thói quen dùng thịt “nóng” đã “ăn sâu trong tiềm thức” của người tiêu dùng Việt.
Cần thay đổi thói quen tiêu dùng
Ông Đinh Hồng Thái phân tích: “Muốn nhập thịt đông lạnh để ép giá thịt heo trong nước thì chính người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng chứ không phải nhà bán lẻ hay nhà nhập khẩu. Tại sao cũng là người tiêu dùng đó, đi ăn nhà hàng lại rất dễ dàng chấp nhận món thịt ba chỉ đông lạnh nướng với giá cao gấp 5 lần giá mua ngoài thị trường nhưng khi đi chợ, lại không dám mua hàng đông lạnh để ăn?”.
|
Theo Nguyên Nga/TNO
Bình luận (0)