Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thịt ngoại lại tràn vào Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi thịt bò Úc làm mưa làm gió tại thị trường VN nhờ giá rẻ, các loại thịt từ châu Âu, Nhật Bản và Indonesia được dự báo cũng tràn vào thị trường VN, nhất là phân khúc cao cấp.
Thịt ngoại lại tràn vào Việt Nam
Nhiều người dân chọn mua thịt bò Úc tại siêu thị Co.op Mart trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM chiều 2-12 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngành chăn nuôi trong nước được dự báo càng khó khăn hơn trong thời gian tới bởi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ sau khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong khi giá thành sản xuất trong nước vẫn ở mức cao.

Sau thịt bò và gà sẽ đến thịt heo?

Tại Hội chợ thương mại quốc tế VN lần thứ 14 vừa diễn ra ở TP.HCM, nhiều khách tham quan tỏ ra rất quan tâm và thích thú khi được nghe giới thiệu và trực tiếp dùng thử sản phẩm thịt bò cao cấp đến từ Indonesia. Ông Safuan Kasno Soewondo, phó chủ tịch Công ty PT Santosa Agrindo (Indonesia), trực tiếp đến VN giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng VN, đồng thời tìm kiếm đối tác phân phối.

Theo ông Safuan, VN và Indonesia hiện đang là hai quốc gia đứng thứ nhất và thứ hai trong việc nhập khẩu thịt bò từ Úc. Tuy nhiên Indonesia có thế mạnh đất đai rộng rãi, có thể phát triển ngành nuôi bò thịt, nhất là thịt bò cao cấp với giống bò wagyu có nguồn gốc từ Nhật Bản. “VN là thị trường đầu tiên mà chúng tôi nhắm đến khi có ý định xuất khẩu thịt bò ra nước ngoài nhờ giá cả cạnh tranh so với thịt bò wagyu nuôi tại VN” – ông Safuan nói.

Trước đó đầu tháng 11-2016, 42 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cũng có chuyến khảo sát thị trường thực phẩm tại VN. Ông Phil Hogan, cao ủy Nông nghiệp và phát triển nông thôn EU, cho biết các doanh nghiệp EU kỳ vọng sau khi Hiệp định thương mại tự do VN – EU có hiệu lực, thuế nhập khẩu vào VN còn 0%, hoạt động xuất khẩu thịt bò và thậm chí thịt heo của EU sang thị trường VN sẽ tăng tốc.

Theo các nhà nhập khẩu, dù mức thuế đang áp cho thịt bò đông lạnh nhập từ EU và Mỹ ở mức khá cao với 14-30%, nhưng sản phẩm thịt bò từ các thị trường này vẫn được nhập về và bán khá nhiều tại thị trường VN, với khách chủ yếu là khách sạn, nhà hàng… Do đó nếu thuế giảm về 0%, chắc chắn sẽ tăng lượng nhập khẩu thịt từ các quốc gia châu Âu vào VN.

Thực tế, các nhà xuất khẩu thịt của châu Âu đã lên kế hoạch xâm nhập thị trường VN cách đây hơn 5 năm với một chiến dịch truyền thông mang tên “Truyền thống, chất lượng và hương vị châu Âu”, trong đó VN là một trong ba thị trường trọng điểm được nhắm tới. Chiến dịch này nhằm giới thiệu về ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt của châu Âu, cũng như cơ hội hợp tác đẩy mạnh xuất khẩu thịt châu Âu vào thị trường VN.

Vất vả chống đỡ

Trong khi các doanh nghiệp châu Âu và Indonesia muốn đưa thịt bò và heo vào khai thác phân khúc thị trường cấp cao tại VN, Úc tiếp tục là nhà cung cấp thịt bò chính cho phân khúc thị trường phổ thông VN.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi VN, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, con giống có chất lượng kém và công nghệ chăn nuôi còn hạn chế, giá thành chăn nuôi VN rất khó cạnh tranh với thịt nhập ngoại. Và khi thuế nhập khẩu và các rào cản thương mại giảm xuống, thịt ngoại tràn vào nhiều hơn, ngành chăn nuôi trong nước càng khó khăn hơn.

“Ngành nuôi gà công nghiệp trong nước thời gian qua đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thịt nhập khẩu giá rẻ, dự báo ngành nuôi heo và nuôi bò cũng gặp cảnh tương tự trong thời gian tới” – ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, dự báo. Theo ông Ngọc, sau chuyến khảo sát tại một số quốc gia châu Âu, các thành viên của hiệp hội thừa nhận ngành chăn nuôi của VN còn quá lạc hậu so với thế giới.

“Thực tế chúng ta mới chỉ ở mức trung bình khá của Đông Nam Á, còn so với các quốc gia phát triển thì chưa thấm vào đâu” – ông Ngọc nhận xét. Tuy nhiên, sự lạc hậu của ngành chăn nuôi VN không phải do các doanh nghiệp thiếu đầu tư công nghệ hiện đại, mà là ở cách suy nghĩ và cách làm. Do đó dù có đầu tư vốn lớn, chuồng trại hiện đại, hiệu quả của ngành chăn nuôi tại VN cũng không bằng các nước, giá cả khó cạnh tranh.

Chẳng hạn không chỉ cơ giới hóa gần như toàn bộ, các trang trại chăn nuôi tại châu Âu cũng xây trần chuồng trại cao để có thể đưa được cả xe tải vào trong nhằm đưa chất thải đi mỗi khi gà xuất bán hoặc dọn chuồng. Trong khi ở VN chuồng trại hiện đại nhưng lại làm thấp, nên công nhân vẫn phải làm bằng tay nhiều công đoạn. Khác biệt không nhiều nhưng hiệu quả xa nhau.

“Tại nhiều trang trại ở Hà Lan và Bỉ, chỉ cần hai người nhưng có thể quản lý một trang trại rộng với năng suất lao động bằng 30 công nhân của VN. Chúng ta có thể đầu tư máy móc và cơ giới được như vậy bởi thực tế nhiều chủ trang trại đã đầu tư đến 80% so với trang trại tại châu Âu, nhưng vấn đề là chưa đồng bộ. Nếu không thay đổi cách làm, ngành chăn nuôi của VN sẽ còn lạc hậu dài và càng khó cạnh tranh so với ngành chăn nuôi các nước” – ông Ngọc cảnh báo.

Mỗi tháng nhập hơn 16.000 con bò Úc

Sau sự cố trong khâu giết mổ bò tại VN hồi đầu năm 2016 khiến Úc thắt chặt xuất khẩu bò sang VN, số lượng bò Úc xuất vào VN đã tăng mạnh trở lại trong những tháng gần đây.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu bò Úc cho biết số lượng bò thịt của Úc được nhập vào VN hiện khoảng 16.000 con/tháng và dự báo còn tăng nữa vào dịp cuối năm. “Nhập khẩu bò Úc chắc chắn tăng trở lại vì hiện chưa có nguồn cung nào có số lượng đủ lớn và giá cả cạnh tranh để thay thế” – giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu bò Úc nói.

Thịt bò châu Âu vào VN 
tăng chóng mặt

Theo Bộ NN&PTNT, chỉ trong chín tháng đầu năm nay lượng thịt bò châu Âu được nhập vào VN tăng hơn 15% so với con số nhập về cả năm 2015. Cũng theo thông tin này, trong năm 2014 VN chỉ mới nhập trên 1.700 tấn thịt bò từ châu Âu, nhưng sang năm 2015 đã tăng lên đến trên 11.000 tấn. Hiện có hơn 200 nhà xuất khẩu thuộc các nước EU được cấp phép nhập thịt bò vào VN.

TRẦN MẠNH (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)