Chăn nuôi trong nước đang phục hồi chậm chạp, nguồn thịt “ngoại” được dịp ùa về lấn sân thị trường nội địa.
Nông dân ngại chăn nuôi
Từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi trong nước phục hồi khá chậm vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Ông Nguyễn Vỹ Nhân – Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Tiền Giang – cho biết: “Số hộ chăn nuôi ở Tiền Giang gần đây đã giảm sút hẳn, nếu trước đây trong 10 hộ có đến 9 hộ chăn nuôi thì hiện nay đã giảm còn 5 hộ, tình hình hết sức khó khăn”.
Người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao
|
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, nhờ giá thịt tăng, đàn heo cũng đã có xu hướng tăng trở lại nhưng chủ yếu ở quy mô trang trại và nuôi tập trung. Tuy nhiên, do giá thức ăn chăn nuôi và con giống cũng tăng nên quá trình tái đàn gặp nhiều khó khăn và mức tăng còn chậm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù sản lượng thức ăn chăn nuôi của các công ty bán ra từ đầu năm đến nay đều giảm nhưng nhờ giá bán tăng nên doanh số của nhiều công ty vẫn tăng cao hơn cùng kỳ năm trước.
Thịt ngoại tràn về
Chăn nuôi sụt giảm, thịt nhập khẩu đang là nguồn bù đắp cho sự thiếu hụt thịt trong năm nay. Các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm cho biết vừa có thêm một đợt tăng giá mới ở các mặt hàng thịt đông lạnh nhập khẩu, mức tăng khoảng 20% so với cách nay một tháng. Tuy nhiên sức tiêu thụ vẫn ổn định.
Theo các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, do giá thịt trong nước cũng quá cao nên sắp tới sẽ chuyển sang dùng nguyên liệu thịt đông lạnh nhập khẩu do giá rẻ hơn. Một nhà nhập khẩu thực phẩm đông lạnh tại TP.HCM cho biết: “Hiện nhu cầu tiêu thụ thịt nhập khẩu tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp, quán cơm đang tăng lên khá nhanh, giá thịt nhập khẩu vì thế cũng được điều chỉnh từng ngày nhưng so với thịt trong nước vẫn rẻ hơn”. Giá bán lẻ thịt nhập khẩu đông lạnh hiện ở mức: đùi gà 1/4 từ 36.000 – 40.000 đồng/kg, đùi tỏi từ 46.000 – 50.000 đồng/kg, cánh gà từ 67.000 – 70.000 đồng/kg, bò nạm 75.000 đồng/kg, bò đùi giá 98.000 đồng/kg…
Trong 4 tháng đầu năm nay đã có gần 26.000 tấn thịt đông lạnh được nhập về TP.HCM, tăng từ 20% – 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều mà người tiêu dùng lo ngại chính là khâu kiểm soát vệ sinh và chất lượng thịt nhập khẩu. Mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện một lô hàng nhập khẩu gồm 24 tấn tim heo không đạt chất lượng về các chỉ tiêu vệ sinh thú y. Trước đó cũng phát hiện 2 lô hàng với số lượng 54 tấn đùi gà không đạt chất lượng. Cả 3 lô hàng vi phạm đều bị xử lý buộc chủ hàng phải tái xuất theo quy định.
Nguồn thịt trong nước khan hiếm đã mở ra cơ hội cho thịt nhập khẩu, vì vậy công tác kiểm dịch nguồn thịt ngoại này cũng cần phải được tăng cường hơn nữa để người dân an tâm sử dụng.
Kiến nghị giảm lượng thịt nhập khẩu
Theo ông Suwes – Phó TGĐ Công ty C.P Việt Nam – người chăn nuôi có quay trở lại thì cũng phải mất 6 tháng mới có sản phẩm ra thị trường. Trước tình hình này, để khuyến khích người chăn nuôi tăng đàn, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã gửi văn bản kiến nghị các cơ quan liên quan về việc giảm nhập khẩu thịt trong thời gian tới. Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, quy luật hằng năm thì từ nay đến tháng 8 nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân sẽ giảm, do vậy, việc giảm lượng thịt nhập khẩu giúp giá thịt trên thị trường ổn định, người chăn nuôi có lãi và tăng đàn nhằm đảm bảo nguồn cung thịt cho thời điểm cuối năm. Thời gian tới, Cục Chăn nuôi sẽ có chính sách hỗ trợ giống, thuốc thú y, hỗ trợ vệ sinh môi trường chăn nuôi cho các trang trại, hộ chăn nuôi thay vì hỗ trợ lãi suất theo yêu cầu của người chăn nuôi. Ngoài ra, Cục Chăn nuôi đang làm việc với những cơ quan có liên quan có chính sách phù hợp nhằm tránh trường hợp khi giá thịt trên thị trường ở mức cao, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lấy cớ đó để tăng giá bán trong khi giá nguyên liệu thức ăn trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm.
|
Theo Thanh Nien
Bình luận (0)