Nhiều doanh nghiệp được UBND TPHCM hỗ trợ cho vay 409 tỉ đồng với lãi suất 0% để dự trữ hàng bán tết với cam kết giữ giá bằng hoặc rẻ hơn thị trường 5 – 10%. Trên thực tế sản phẩm của những đơn vị được hỗ trợ có giá cao hơn nơi khác.
Thịt tươi sống của các doanh nghiệp được trợ vốn vẫn
không rẻ hơn thịt ở chợ và một số loại khác trong siêu thị. |
Giá vẫn tăng
Giá thịt gà, một trong những loại thực phẩm thiết yếu sử dụng trong ngày tết đang “nóng” lên từng ngày.
Theo sở Công thương thành phố, tết năm nay có bốn đơn vị gồm: công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ, Phú An Sinh, tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Saigon Co.op nhận trách nhiệm trữ khoảng 1,2 triệu con gà (gà thả vườn, gà ta), cam kết bán với giá bình ổn 60.000 đồng/kg gà thả vườn và 95.000 đồng/kg gà ta nuôi lưới.
Tuy nhiên, việc kìm giá không như mong muốn. Từ hai tuần nay, giá thịt gà trên thị trường thành phố đột ngột tăng mạnh 30.000 – 35.000 đồng/kg. Cụ thể: gà thả vườn từ 50.000 – 55.000 đồng/kg tăng lên 70.000 – 75.000 đồng/kg, gà ta nuôi lưới từ 90.000 đồng/kg lên 115.000 – 120.000 đồng/kg.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Minh, giám đốc công ty Phú An Sinh, đơn vị nhận 13 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất dự trữ 300.000 con gà thừa nhận, lượng thịt gà trong chương trình bình ổn chỉ đáp ứng 30% nhu cầu sử dụng tết của người dân thành phố.
Theo tính toán của doanh nghiệp dự trữ hàng tết, với hai triệu hộ dân thành phố, riêng gà cúng sử dụng trong bốn ngày cao điểm (23 và 30 tháng chạp, mùng một và mùng ba tết), trung bình mỗi ngày một con, đã lên tới tám triệu con.
Trong khi đó, với trên dưới 2.000 tấn dự trữ, tương đương 1,2 – 1,3 triệu con mà doanh nghiệp tung ra với mong muốn kìm giá thị trường chẳng khác nào như muối bỏ bể.
Giá rẻ hơn ai?
Giám đốc một công ty thương mại ở quận 10 nói: “Tôi quan tâm đến việc cam kết giá rẻ hơn thị trường từ 5 – 10%. Vì trước tết 10 ngày, tôi so sánh giá bán lẻ nhiều mặt hàng trong cửa hàng Vissan, Sagrifood, Co.opmart với giá bán lẻ trong Big C, CP là tương đương nhau”.
Cụ thể, so với giá thịt heo Vissan, Sagrifood, giá thịt gà của Phú An Sinh, Huỳnh Gia Huynh Đệ bán trong các cửa hàng của công ty, của siêu thị thì giá bán lẻ ở tiệm tạp hoá và ở chợ vẫn rẻ hơn.
Giá thịt heo rẻ hơn 3.000 – 4.000 đồng/kg, giá trứng rẻ hơn 1.000 – 1.500 đồng/vỉ. Các mặt hàng dầu ăn, đường trong siêu thị Co.opmart vẫn bằng hoặc đắt hơn chợ khoảng 200 – 500 đồng/chai hoặc gói. Doanh nghiệp này nói thêm: “Giá không rẻ hơn chợ, mà cũng không rẻ hơn giá bán ở siêu thị khác, thì phạm trù “thị trường” ở đây quả khó so sánh”.
Hỗ trợ chưa trúng?
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, chủ đầu tư hệ thống Maximark nói: “Nếu được trợ vốn hàng tỉ đồng để mua hàng dự trữ, tôi tin chắc mình có thể bán nhiều mặt hàng với giá thấp hơn hiện nay.
Mà giá bán lẻ ở Maximark cũng đang tương đương các nơi khác nên khách mới vào mua. Người tiêu dùng bây giờ tính toán rất kỹ, nếu bán mắc hơn, dù chỉ vài đồng thì họ cũng sẽ tìm nơi rẻ mà mua. Còn nếu bán giá bằng nhau, mà được vay vốn lãi suất 0% thì doanh nghiệp quá sướng”.
Bà Nguyễn Thị Hà, tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart phản ánh: “Nhiều thông tin của hội Lương thực thực phẩm TPHCM, của lãnh đạo cấp sở ở TPHCM trên báo chí trong tuần qua đang gây bất lợi lớn cho các nhà kinh doanh siêu thị không được trợ vốn.
Bởi các thông tin này kêu gọi người dân hãy mua sắm ở các siêu thị, cửa hàng thụộc doanh nghiệp được Nhà nước trợ vốn để có mức giá rẻ hơn, để hàng hoá được kiểm soát chất lượng tốt hơn…
Điều này là không công bằng với các đơn vị kinh doanh khác. Những công ty này vừa được cho vay vốn với lãi suất 0% là lợi thế lớn, trong khi các doanh nghiệp khác phải vay vốn trữ hàng ở thời điểm đầu tháng 11 lãi suất là 18%, ở nửa cuối tháng 12/2008 lãi suất vẫn còn 12,75%/năm.
Nhưng trên thực tế, hàng hoá bán ở những nơi đó không rẻ hơn 5 – 10% như công bố. Chất lượng hàng hoá ở các siêu thị và cửa hàng khác cũng được nhà kinh doanh kiểm soát chặt chẽ”.
Theo Nhóm PV
Báo SGTT
Bình luận (0)