Hồ Mời (58 tuổi), ở thôn Doa Củ (xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị) cần mẫn ngày hai buổi ra rẫy cà phê, có những gốc cà phê đã tròn 40 năm vẫn miệt mài cho ra những mùa hoa trái. Hồ Mời nói, nhờ những cây cà phê này mà cả nhà có đồng ra đồng vào để mua thêm muối, gạo, rồi dần dà xây được cái nhà to, có của ăn của để…
Hồ Mời bảo: “Nhờ cà phê mà cả gia đình ông có cuộc sống no đủ, xây được nhà to” |
1.Không phải ngẫu nhiên cây cà phê có mặt ở miền đất Hướng Hóa. Đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống dọc dãi Trường Sơn vẫn thường kể lại rằng, cách nay hơn 100 năm về trước, khi người Pháp nhận thấy thổ nhưỡng vùng đất này phù hợp với việc trồng cây cà phê. Chính họ, đã mang giống cây này đến, gieo trồng giữa bạt ngàn rừng núi. Rồi chiến tranh kết thúc, ruộng rẫy cà phê bị bỏ hoang. Những mùa cà phê chín mọng trở thành thức ăn ngon cho lũ chồn rừng. Người dân tò mò về trái cây lũ chồn ăn được, đem nếm thử rồi xay ra uống thử… Hương thơm nồng nàn của trái cây “lạ” trở thành thức uống trong nhà người dân. Cây cà phê từ đó cũng theo người dân về sống ngay trong vườn nhà.
Mười tám tuổi, Hồ Mời theo đám bạn băng rừng lội suối, đi ngót hơn 30 cây số từ Hướng Phùng ngược ra Khe Sanh, vừa đi chơi cũng vừa để thăm thú những hàng quán, chợ búa, ngắm con đường thênh thang chạy dọc dài… những thứ mà suốt cả những năm tháng ấu thơ, ngoài tiếng đì đùng của bom đạn chiến tranh khốc liệt, Hồ Mời chưa thấy bao giờ. Năm 1977, trong 19 tuổi, Hồ Mời quyết định đào 100 gốc cà phê con thuộc dòng họ cà phê mít dọc bìa rừng từ thị trấn Khe Sanh để cõng về vườn nhà mình.
2.Cà phê vừa bén rễ, năm 1978, Hồ Mời nhận nhiệm vụ tham gia vào bộ đội, đi chiến trường Campuchia. Ba năm sau trở về, Hồ Mời sướng rân cái bụng đón mùa hoa cà phê bói đầu tiên bung trắng vườn, tỏa hương thơm ngát. Ông chờ từng ngày, thao thức đến mất ngủ. Mùa trái đầu tiên, ông cẩn thận hái chọn những quả chín mọng, phơi khô rồi dùng đôi bàn chân trai tráng của mình đạp tách vỏ. Làm sạch vỏ hạt, ông cho vào bao nilon buộc chặt, kèm thêm cái lon đong gạo cho vào chiếc gùi, cõng trên lưng đi bộ ngược ra Khe Sanh để bán. “Một lon cà phê hạt lúc đó bán được tầm 4 đến 5 đồng. Bán xong thì mua gạo với muối đem về. Tận mắt nhìn thấy gạo và muối được đổi từ hạt cà phê, người thân và bà con quanh thôn mới tin việc làm của tui có ích”.
“Cũng nhờ những vụ cà phê mà mình xây được căn nhà 500 triệu vững chãi, rồi con cái ăn học trưởng thành. Bây giờ, mỗi năm cũng thu được tầm hơn 20 triệu đồng từ cà phê, chưa kể tiêu… Cây cũ không đạt năng suất thì thay bằng cây mới, cách chăm sóc mới” (Hồ Mời) |
Những năm 1995 trở về sau, khi người dân miền xuôi đi kinh tế mới, về các xã dọc huyện Hướng Hóa thì Hướng Phùng là một điểm dừng chân khá đông trên hành trình di dân phát triển kinh tế đó. Cây cà phê theo chân họ thông qua những dự án được cấp giống, cấp phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng kỹ lưỡng. Niềm say mê trồng cà phê trong chàng trai Vân Kiều có dịp bùng cháy. Năm 1996, ông mạnh dạn vay mượn, xin mua nợ giống cây theo hình thức trả dần qua từng vụ để trồng 1ha cà phê catimor. Dần dà, trả được nợ, ông lại bàn với vợ trồng thêm tăng số lượng lên tới gần 4ha. Ông chăm sóc cây bằng cả niềm đam mê dành cho loài cây này và cả khát vọng thoát nghèo.
3.Có một điều đáng nể ở người con núi rừng Hồ Mời là ông luôn có cách nghĩ mang chiều sâu trong phát triển kinh tế. Thích cà phê nhưng ông vẫn đầu tư thêm đàn bò hàng chục con, rồi năm 2005, ông đầu tư trồng thêm 500 gốc tiêu… Cái này bù đắp cho cái khác nên giữa thời buổi sản vật nhà nông thi nhau trượt giá, kinh tế của ông cũng không đến nỗi nào. Mặc dù có những vụ mùa, ông thu từ cà phê tới 30 tấn hạt, quy giá cũng chạm ngưỡng gần ba trăm triệu đồng.
Vài năm lại đây, cà phê trượt giá, giống cây cà phê cằn cỗi cho năng suất thấp, nhiều người chặt bỏ, Hồ Mời cũng chặt nhưng không để đất hoang, ông đi mua giống cà phê catimo về trồng mới. Cà phê với gia đình ông hẳn là kế sinh nhai, nhưng hơn thế là cây cứu cánh giúp thoát khỏi đói nghèo: “Xưa trồng cây cà phê, mùa thu hoạch phải đạp vỏ bằng chân, cõng trên lưng đi bộ băng rừng mấy chục cây mình vẫn làm được. Nay con đường Hồ Chí Minh thênh thang chạy ngang qua xã, rồi nhà nước quan tâm làm đường bê tông hóa, việc đi lại bán nông sản dễ dàng hơn nhiều, thương lái đến tận nhà để thu mua”.
Ngừng giây lát, ông tiếp: “Cũng nhờ những vụ cà phê mà mình xây được căn nhà 500 triệu vững chãi, rồi con cái ăn học trưởng thành. Bây giờ, mỗi năm cũng thu được tầm hơn 20 triệu đồng từ cà phê, chưa kể tiêu… Cây cũ không đạt năng suất thì thay bằng cây mới, cách chăm sóc mới”. Ông khéo léo lái câu chuyện năng suất cây trồng sang minh chứng thu nhập ổn định. Tôi ngầm hiểu ý ông, dù đất đai trù phú đến đâu, cũng có lúc cạn kiệt nếu người nông dân thiếu đi niềm tin, thiếu đi sự chăm sóc tưới tắm phù hợp. Gần 60 tuổi- Hồ Mời vẫn luôn là người có cách nghĩ mới trong phát triển kinh tế, như cái cách mà ông đã từng cõng cà phê về vườn cách nay tròn 40 năm!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)