Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Thợ đụng” sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Đụng đâu làm đó!

 

Năm nay, Lâm Thanh Phong, sinh viên năm 3 Đại học Kỹ thuật TPHCM, quyết định không về Bình Định ăn tết mà ở lại TPHCM để kiếm thêm học phí. Công việc mà Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM giới thiệu cho Phong xem ra chẳng ăn nhập gì với ngành nghề đang học nhưng có thể mang lại cho Phong 700.000 đồng/tuần: phát tờ rơi quảng cáo tại Nhà Thi đấu Phú Thọ.

Phong bảo: “Nếu như về quê thì tiền tàu xe mất đứt 500.000 đồng, chưa kể phải “dằn túi” thêm để lì xì mấy đứa em nên mình quyết bám trụ vài tuần trước và trong tết để làm “thợ đụng” (đụng đâu làm đấy) kiếm khoảng 2 triệu đồng đóng học phí”.

 


Một sinh viên giới thiệu với khách hàng dùng thử sản phẩm trước siêu thị. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Còn Phạm Minh Thảo (sinh viên ĐH Kinh tế, quê Quảng Ngãi) vừa được nhận vào làm nhân viên bán hàng thời vụ của một siêu thị trên đường Trần Hưng Đạo. Ngoài việc giới thiệu các mặt hàng khuyến mãi, Thảo còn nhận chở hàng đến tận nhà cho khách khi có yêu cầu. Hồ hởi chở một cái bếp gas và bộ nồi chảo đến một địa chỉ ở quận Bình Tân, Thảo khoe: “Em được trả lương trọn gói từ nay đến giáp tết là 2,5 triệu đồng, chưa kể có khi còn được “bo”! Thôi ráng làm để khi khác về”.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM Giang Ngọc Phương cho biết: “Đã tìm được 500 công việc thời vụ dịp Noel và Tết Kỷ Sửu như giới thiệu sản phẩm, bán hàng hội chợ, phát tờ rơi, gói quà… cho các sinh viên muốn làm thêm. Một số công việc đơn giản như gói quà trong siêu thị có mức thu nhập 100.000 đồng/ngày; nhân viên phụ bán hàng điện máy khoảng 1,5 triệu đồng, chưa kể tiền thưởng… đã thu hút rất đông sinh viên. Trung tâm phấn đấu tìm 4.000 đầu việc làm thêm cho sinh viên xa nhà”.

Phong cách “thợ đụng”!

Một công việc không mới nhưng khá thú vị, thu hút không ít sinh viên xa nhà như Hoàng Văn Nghiêm (ĐH Văn Lang) là làm “ông già Noel”. Ngay khi thấy Công ty Du lịch Lửa Việt thông báo tuyển 200 sinh viên đang học tại các trường nghiệp vụ du lịch, Nghiêm đã đăng ký với suy nghĩ: “Vừa kiếm thêm thu nhập vừa khám phá cái cảm giác lang thang giữa dòng người trẩy hội, đem đến niềm vui cho nhiều trẻ em. Phải chứng tỏ phong cách của “thợ đụng” thì mới thú vị.

Năm nay em sẽ ở lại TPHCM không chỉ để kiếm tiền mà còn là trao dồi thêm vốn sống”. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt, cho biết “ông già Noel” sẽ có thu nhập 100.000 – 300.000 đồng/ngày. Riêng ông Lý Việt Cường, Giám đốc Công ty Du lịch Nam Phương, cho biết sẽ sử dụng 10 “ông già Noel” phát quà cho trẻ em nghèo tại các xã vùng sâu thuộc huyện Cần Giờ bởi “sinh viên ngoài kiếm tiền ra còn yêu thích công tác xã hội”.

Năm nay, một công việc được sinh viên ĐH Mỹ thuật TPHCM lựa chọn là làm nghề “nhân tượng”. Trang, sinh viên Khoa Điêu khắc, nói: “Nghề “nhân tượng” kén “thợ đụng” lắm vì phải đứng im rất lâu, lại còn dùng cơ thể mình để họa sĩ bôi phẩm màu, nhũ kim… mô phỏng tượng đá nên chỉ có tụi em là làm được. Nghề này rất ấn tượng, hợp ngành học của em và có thu nhập cao. Có điều phải ở lại TP, không về Vĩnh Long ăn tết được bởi các công ty chỉ thuê “thợ đụng” trong 3 ngày xuân để đứng tại các nơi công cộng”.

Tạo điều kiện cho sinh viên xa nhà ăn một cái Tết Nguyên đán đầm ấm, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM cho biết sẽ tổ chức thăm và tặng quà tại 15 ký túc xá của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TPHCM và 20 điểm nhà trọ có đông sinh viên cư ngụ. Bên cạnh đó vào ngày 27 tháng chạp, Chương trình “Sinh viên xa nhà vui tết” dự kiến sẽ thu hút 1.500 sinh viên. Trong dòng tin nhắn gửi về cho gia đình ở Cần Thơ, bạn Cao Ngọc Thanh (sinh viên ĐH Kiến trúc) viết: “Tết này con ở lại nhưng sẽ không buồn vì có việc làm thêm kiếm tiền đỡ đần cho cha mẹ. Chúc cha mẹ và các em ăn tết vui vẻ, hẹn giao thừa con sẽ điện thoại cho mọi người”.

Minh Anh (Theo SGGP)

Bình luận (0)