Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi việc Syria bắn hạ một chiếc máy bay quân sự của họ là “hành động gây hấn” và viện đến quyền triệu tập cuộc họp để tham vấn các thành viên NATO khác.
Lời kêu gọi của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm dấy lên câu hỏi liệu các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác, gồm cả Mỹ, có bị thúc ép phải phản công nhân danh Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Ngắm bắn cả máy bay cứu hộ?
Vụ việc còn trở nên nóng hơn trong hôm nay, 25.6, sau khi hãng AFP dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu loan tin chiếc máy bay được phái đi tìm kiếm những phi công bị bắn hạ đã được quân đội Syria đưa vào tầm ngắm.
Theo nhà ngoại giao, chiếc máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã bị một hệ thống phòng không Syria đưa vào tầm ngắm khi được phái đi tìm kiếm chiếc F-4 Phantom.
“Khi một chiếc máy bay bị hệ thống đó ngắm bắn, các phi công được những thiết bị của họ cảnh báo rằng họ đang bị ngắm”, nhà ngoại giao giấu tên nói với AFP.
Tuy nhiên, rốt cuộc chiếc máy bay cứu hộ không bị bắn và nguồn tin của AFP không nói rõ liệu chiếc máy bay có bay vào không phận Syria hay đang ở không phận quốc tế.
Các đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm mảnh vỡ của chiếc máy bay F-4. Các nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay hiện vẫn không rõ các phi công có kịp thoát ra ngoài hay không.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama – Ảnh: AFP |
Theo CNN, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã điện đàm với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Iran kể từ khi vụ việc xảy ra.
Vào hôm nay, 25.6, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã gọi hành động của Syria là "không thể chấp nhận được".
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần qua, theo CNN.
Trong một thông báo được đưa ra hôm 24.6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gọi vụ việc là hành động “trơ tráo và không thể chấp nhận được”.
Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu cho hay các thành viên NATO sẽ nhóm họp vào ngày 26.6 tại Bỉ để thảo luận về vụ việc, theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc tham vấn được Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập theo điều 4 của Hiệp ước NATO. Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ trình bày vụ việc tại cuộc họp.
“Theo điều 4, bất kỳ nước đồng minh nào cũng có thể yêu cầu tham vấn bất cứ khi nào họ đánh giá rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, sự độc lập chính trị hoặc an ninh của họ bị đe dọa”, bà Lungescu nói với CNN.
Hành động đáp trả quân sự tập thể
Tại cuộc tham vấn, có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ yêu cầu một hành động đáp trả quân sự tập thể. Ý niệm này đến từ điều 5 trong Hiệp ước Washington của NATO vốn quy định nếu một nước thành viên bị tấn công, các thành viên NATO khác bắt buộc phải thực hiện hành động phòng vệ tập thể nếu xét thấy cần thiết, bao gồm việc sử dụng lực lượng vũ trang, nhằm khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương.
Điều khoản này được thiết lập sau vụ tấn công khủng bố nhắm vào nước Mỹ vào ngày 11.9 và hành động đáp trả quân sự sau vụ 11.9 là lần duy nhất nó được sử dụng.
Trong sự cố mới, sau những phát biểu kiềm chế vào lúc đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra những tuyên bố giận dữ hơn khi xác định được sự việc.
Vào hôm 24.6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu nói nước ông sẽ hành động dứt khoát trong khuôn khổ luật quốc tế và bác bỏ luận điểm của Syria rằng chiếc máy bay bị bắn hạ bởi nó thể hiện “hành động gây hấn”.
Chiếc máy bay F-4 không có vũ khí và không phát đi tín hiệu thù địch nào, ông Davutoglu phát biểu.
“Trước hết bạn phải gửi cảnh báo. Nếu cảnh báo không có hiệu quả, bạn sẽ cho máy bay cất cánh, bạn gửi một tín hiệu mạnh mẽ hơn, bạn buộc máy bay hạ cánh. Không có đủ thời gian để thực hiện bất kỳ hành động nào trong khoảng thời gian máy bay của chúng tôi ở trong không phận Syria”, ông Davutoglu nói.
Một chiếc F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ – Ảnh: Reuters |
NATO khó đánh Syria
Theo NATO, Thổ Nhĩ Kỳ từng viện đến điều 4 trước đây, trong lần leo thang căng thẳng với Iraq tại khu vực biên giới hai nước.
“Việc này không dẫn đến việc viện dẫn điều 5”, người phát ngôn của NATO Lungescu lưu ý.
Một quan chức cao cấp giấu tên của Mỹ cũng nói với AFP rằng Thổ Nhĩ Kỳ không yêu cầu gì hơn ngoài việc tham vấn.
Nếu NATO muốn có một cuộc chiến, đây sẽ là cơ hội tốt để viện dẫn đến điều 5 song vào lúc này, họ không khao khát có một cuộc xung đột quân sự tại Syria, theo một vài nhà ngoại giao NATO.
Có nhiều yếu tố để cân nhắc một hành động đáp trả quân sự. Trước hết, Hội đồng Bắc Đại Tây Dương phải chấp thuận điều này. Và thậm chí nếu được đồng ý, mỗi nước thành viên có thể đóng góp theo mức độ họ cảm thấy phù hợp.
Ông Kurt Volker, giám đốc điều hành của Viện về Lãnh đạo Quốc tế McCain và là cựu đại sứ Mỹ tại NATO, nhận xét cuộc họp của NATO có thể mang tới cơ hội để các nước thảo luận về một cuộc can thiệp quân sự tại Syria bên ngoài khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nơi Nga và Trung Quốc liên tục chống đối hành động này.
Một kịch bản là các nước phương Tây và Ả Rập có thể tham gia thành lập một “vùng an toàn” ở Syria để hỗ trợ phe chống đối và thực hiện các cuộc không kích nhắm vào cơ sở tấn công quân sự của Syria.
“Tôi có cảm giác rằng sự kiên nhẫn của cộng đồng quốc tế ngày càng cạn đi. Với cuộc thảm sát hết ngôi làng này đến ngôi làng khác cùng sự liều lĩnh của người Nga trong việc cung cấp vũ khí cho Syria, tôi nghĩ chúng ta có thể đã tiếp cận thời điểm, có thể hình dung nhiều hơn về một cuộc can thiệp liên minh theo kiểu này so với cách đây vài tháng”, tờ Foreign Policy trích phát biểu của ông Volker.
theo TNO
Bình luận (0)