Hội nhậpThế giới 24h

Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

Tạp Chí Giáo Dục

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO dù trước đó đã phản đối.
Từ trái qua: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson chụp ảnh chung sau cuộc gặp hôm 10.7 tại Vilnius, Lithuania.
NATO dọn đường cho Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự phương Tây bằng cách thuyết phục Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngừng phản đối nỗ lực của Stockholm.
RT dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau khi chủ trì cuộc gặp giữa ông Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm 10.7 tại Vilnius, Lithunia rằng, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ đơn gia nhập của Thụy Điển và sẽ chuyển đề xuất này tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để phê chuẩn.
“Đây là một bước đi lịch sử giúp tất cả các đồng minh NATO mạnh mẽ hơn và an toàn hơn” – ông Stoltenberg nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản Thụy Điển gia nhập NATO, chủ yếu do lo ngại rằng Stockholm chứa chấp các tổ chức thân người Kurd mà Ankara coi là khủng bố.
Một thành viên mới muốn gia nhập liên minh NATO gồm 31 quốc gia cần có sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên này.
Ông Stoltenberg cho biết ông Erdogan cam kết sẽ chuyển tiếp lời đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển tới các nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian sớm nhất và giúp “đảm bảo việc phê chuẩn”. Tuy nhiên mốc thời gian rõ ràng để Thụy Điển gia nhập NATO vẫn chưa được ấn định.
Trước đó, cùng ngày 10.7, ông Erdogan tuyên bố sẽ ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO nếu EU “mở đường” trở thành thành viên cho Ankara. Ông Erdogan được cho là đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden giúp gây áp lực buộc EU chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh này.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ đợi trước ngưỡng cửa của Liên minh châu Âu hơn 50 năm nay và gần như tất cả các quốc gia thành viên NATO hiện là thành viên của Liên minh châu Âu” – ông Erdogan phát biểu với báo giới trước khi bay tới Lithuania dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
“Hãy đến và mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu. Khi các vị mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi sẽ mở đường cho Thụy Điển như chúng tôi đã làm với Phần Lan” – ông Erdogan nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ đăng ký gia nhập EU vào năm 1987 và được công nhận là ứng cử viên vào năm 1999. Các cuộc đàm phán về tư cách thành viên được bắt đầu vào năm 2005, nhưng tiến độ diễn ra chậm và không có cuộc đàm phán nào từ năm 2016.
Kể từ đó, EU đã chỉ trích ông Erdogan về các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Nghị viện châu Âu đã cảnh báo trong một báo cáo năm 2017 rằng, những cải cách hiến pháp nhằm củng cố quyền lực của ông Erdogan có thể vi phạm luật pháp EU và đe dọa khả năng trở thành thành viên của Ankara.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Stoltenberg phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc mở rộng NATO và việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
Theo ông Stoltenberg, Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Kristersson đã hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết “những lo ngại về an ninh chính đáng” của Ankara.
Ông nói thêm: “Là một phần của quá trình đó, Thụy Điển đã sửa đổi hiến pháp, thay đổi luật pháp, mở rộng đáng kể hoạt động chống khủng bố chống lại PKK (Đảng Công nhân người Kurd) và nối lại hoạt động xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ”.
Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, từ bỏ truyền thống lâu đời về trung lập quân sự do lo ngại xung đột Nga – Ukraina.
Phần Lan chính thức được kết nạp vào NATO hồi tháng 4, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn đơn của Thụy Điển sau khi cáo buộc nước này chứa chấp những kẻ khủng bố người Kurd.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây sức ép buộc ông Erdogan từ bỏ phản đối, cho biết vấn đề này phải được giải quyết để Washington chấp thuận bán máy bay chiến đấu F-16 cho Ankara.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)