Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23.1 phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Các nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu với tỉ lệ 287 phiếu thuận, 55 phiếu chống cho nỗ lực của Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của NATO.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2023.
Trước đó, quốc gia Bắc Âu này đã nhận được sự ủng hộ công khai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến, ký văn bản phê chuẩn cho Thụy Điển trong những ngày tới, kết thúc vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình kết nạp thành viên mới, vốn đã bị trì hoãn tới hơn 1 năm.
Sau cuộc bỏ phiếu ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson chia sẻ: “Hôm nay, chúng tôi tiến một bước gần hơn tới việc trở thành thành viên chính thức của NATO”.
Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cũng hoan nghênh động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi Hungary hành động tương tự.
“Tôi cũng tin tưởng Hungary sẽ hoàn tất việc phê chuẩn càng sớm càng tốt” – ông nói.
Theo lãnh đạo NATO, việc kết nạp thêm Thụy Điển sẽ giúp liên minh mạnh mẽ hơn "và tất cả chúng ta an toàn hơn".
Tại Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hoan nghênh động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh việc kết nạp Thụy Điển sẽ khiến liên minh “an toàn hơn và mạnh mẽ hơn”.
Ông Sullivan cho hay, việc Thụy Điển gia nhập liên minh là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Thụy Điển là một đối tác quốc phòng mạnh mẽ và có năng lực. Thụy Điển gia nhập NATO là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và sẽ làm cho liên minh an toàn và mạnh mẽ hơn” – ông nói.
Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Jeff Flake ca ngợi việc phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ là “động thái tuyệt vời với Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và toàn bộ NATO”.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh khiến Hungary trở thành nước cuối cùng trì hoãn quá trình phê chuẩn cho Thụy Điển gia nhập NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ đã dành nhiều tháng để yêu cầu Thụy Điển làm nhiều hơn nữa nhằm trấn áp những người ủng hộ các nhóm ly khai Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Điển, bao gồm cả Đảng Công nhân người Kurd, hay PKK. Đáp lại, Thụy Điển tuân thủ các tiêu chí thành viên của NATO, thắt chặt luật chống khủng bố và dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Bloomberg, cùng với vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ với các nhóm ly khai ở Thụy Điển, các cuộc thảo luận của nước này còn bị vướng vào một mạng lưới địa chính trị phức tạp hơn liên quan đến máy bay chiến đấu.
Từ năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách mua 40 chiếc máy bay chiến đấu F-16 Block 70 của Lockheed Martin Corp cùng 79 bộ dụng cụ để hiện đại hóa đội bay của nước này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden coi việc Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển là điều kiện tiên quyết để bán những máy bay đó và ông Erdogan cũng đã liên kết hai vấn đề này với nhau. Thổ Nhĩ Kỳ hiện có thể mong đợi Mỹ sẽ tiếp tục việc bán máy bay cho nước này.
Ngày 23.1, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã mời người đồng cấp Thụy Điển tới Budapest để thảo luận về việc nước này gia nhập NATO.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)