Chỉ trong hai ngày, diễn đàn "Văn hoá ứng xử" đã nhận được ý kiến của nhiều đối tượng trong xã hội. Người lớn tuổi than trách lớp trẻ ứng xử kém, các chuyên gia tâm lý thì "mổ xẻ" nguyên nhân. Đối tượng bị "lên án" cũng lên tiếng.
Dưới góc độ của các chuyên viên tâm lý mà chúng tôi giới thiệu sau đây cho thấy cái riêng, cái tôi cá nhân trong một bộ phận chúng ta đã tách khỏi sự tổng hoà chung của xã hội, không ai thấy có phần trách nhiệm để "văn hoá ứng xử" làm cho cuộc sống thân thiện hơn, tốt đẹp hơn.
• Chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Quý: Gia đình, nhà trường ngày càng lơi lỏng việc dạy dỗ
Rõ ràng, xuống cấp trong văn hoá ứng xử của giới trẻ đã đến lúc báo động. Việc các luồng văn hoá phương Tây tràn vào VN, tiếp đó là sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin đã khiến cho các bạn trẻ ngày càng có điều kiện được bộc lộ cái “tôi” của mình mà quên rằng, văn hoá phương Tây có nhiều điểm khác biệt với văn hoá VN.
Bên cạnh đó, không ít người lớn cũng cổ súy cho vấn đề này, cho rằng để các bạn thể hiện cái “tôi” như thế mới chứng tỏ được bản lĩnh cá nhân của mình. Chính vì thế, việc thế hệ trẻ lớn lên ngày một ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa là điều dễ hiểu.
Vấn đề đặt ra ở đây là gia đình, nhà trường, xã hội nhìn nhận thế nào về việc này. Nói văn hoá ứng xử của thanh, thiếu niên xuống cấp, lỗi tại các em chỉ chiếm một phần, lỗi nhiều hơn là từ người lớn, từ cách giáo dục của chúng ta. Khi cả bố mẹ, thầy cô chỉ chăm chăm vào kiến thức, không hướng dẫn các em phải sống như thế nào, không là những tấm gương thật sáng cho các em noi theo, thì việc các em có những suy nghĩ lệch lạc, chệch hướng là điều khó tránh.
Vì sao khi các em còn nhỏ, ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, ý thức lại tốt hơn khi đã lớn lên? Có phải do chúng ta buông lỏng việc giáo dục ý thức này vì nghĩ rằng “các em đã lớn rồi, tự biết được”? Chính vì thế, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bên, có như vậy mới xây dựng được nền tảng ý thức cho cả một thế hệ.
Bà Đặng Mỹ Dung – chuyên viên tư vấn của Trung tâm Tư vấn giáo dục (thuộc Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM): Thờ ơ vì đó là việc của… “người dưng”!
Cách đây chưa lâu, trên đường đi làm về, tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trước cổng chùa Vĩnh Nghiêm, tôi thấy cảnh một phụ nữ đang gắng sức đẩy chiếc xe đạp, trên đó thồ đủ thứ gọi chung là ve chai đang leo lên cầu một cách khó khăn và suýt trượt ngã. Lúc ấy, trên cầu có 3-4 thanh niên đang đứng hóng mát, nhìn thấy cảnh ấy vẫn “bình chân như vại”, chẳng hề thể hiện thiện chí giúp đỡ…
Và hầu như ngay lúc đó, lại có một anh chàng người tây (tôi đoán qua vẻ bề ngoài cao to, mắt xanh, tóc vàng…) vừa từ phía chùa bước ra đã chạy đến và cùng đẩy phụ chiếc xe đạp thồ của chị phụ nữ ấy… Chứng kiến cảnh ấy, tôi chạnh lòng!
Có thể người phụ nữ ấy đã làm nhiều người khó chịu vì chị ta đã “thồ” quá nhiều những thứ cồng kềnh, thậm chí có thể gây cản trở giao thông vào giờ cao điểm… Nhưng bên cạnh đó, có ai nhận biết được sự cực khổ, lam lũ và cần sự trợ giúp của chị ta ngay thời điểm đó?
Tôi cho rằng những thanh niên ấy đã thờ ơ trước khó khăn của người khác – đó chính là sự ích kỷ, lối sống thờ ơ của nhiều người chúng ta hiện nay – trong đó có thể kể đến một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ, thanh niên “sức dài vai rộng”. Riêng việc ông tây đã giúp đỡ người phụ nữ đó, theo tôi đó chính là ở họ “văn hoá đi trước văn minh”, những hành xử trong cộng đồng đều do giáo dục, văn hoá quyết định.
Với thực trạng này, thiết nghĩ – mỗi gia đình, từng phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm. Bởi, những biểu hiện ấy của thế hệ trẻ chính là do sự thiếu giáo dục con em mình lòng nhân ái, biết giúp đỡ những người xung quanh, biết thể hiện “ứng xử đẹp” trong đời thường.
Ông bà ta đã có câu đúc kết ngắn gọn “tiên học lễ, hậu học văn”. Chữ “lễ” ở đây không chỉ là nghi lễ, mà còn bao hàm ý nghĩa ở cách cư xử trong cuộc sống, đó là lòng trắc ẩn, sự cảm nhận khó khăn của người khác… Và từ đó có những hành động cụ thể giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn khi họ cần đến. Thiết nghĩ, việc cần phải giáo dục thế hệ trẻ biết chia sẻ, biết sống quan tâm đến cộng đồng đang là vấn đề cần sự quan tâm của từng gia đình và sự chung tay của xã hội.
Nguyên Minh – Thể Uyên (laodong)
Bình luận (0)