Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thờ ơ phân luồng, loay hoay giải pháp

Tạp Chí Giáo Dục

"Mục tiêu của việc phân luồng là gì?" Phân luồng để việc học tập phù hợp với năng lực của người học. Phân luồng để cơ cấu lao động phù hợp với nhu cầu xã hội.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề tại hội thảo các giải pháp phân luồng HS sau THCS và THPT ngày 11/9 tại Hà Nội với 6 điểm cầu truyền hình và sự tham gia của 451 đại biểu.
Theo báo cáo, tỷ lệ HS vào ĐH, CĐ năm 2009 là 44% (các nước tiên tiến học CĐ, ĐH chỉ 35%) còn lại đi học nghề và làm việc khác.
Tuy nhiên, điều đáng lo là, ngoài 1/3 HS tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ; 1/3 vào học nghề thì còn lại 1/3 không làm gì cả.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tại hội thảo ngày 11/9. Ảnh: Bảo Anh
Nhiều lý do để xa trường nghề
Phân luồng hướng nghiệp cho HS sau THCS, THPT hiện nay là việc làm khó và không hiệu quả. Bà Trần Thị Cúc, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Lai Châu cho hay, phần đông HS đều không muốn học TCCN hay vào các trường nghề vì tốt nghiệp xong khó xin việc làm tại các cơ quan nhà nước.
Bà Phan Ngọc Trinh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang cho biết, tốt nghiệp THCS được tuyển vào phổ thông là 70%, còn lại dự kiến vào GDTX, nhưng lại cũng rất hạn chế do học phí cao, không được qua nghĩa vụ quân sự. HS vào các trường TCCN khi cầm bằng tốt nghiệp chỉ được công nhận là bằng nghề mà không phải là tốt nghiệp THPT.
Hơn nữa, theo bà Trinh, chương trình giảng dạy của phổ thông chưa phù hợp, việc phục vụ cho công tác hướng nghiệp chưa đủ điều kiện, không có điểm số của môn học này nên hiệu quả rất thấp.
Kiến thức trong SGK chưa có đào tạo chuyên gia giảng dạy mà chủ yếu biên chế giảng dạy từ giáo viên tiếng Pháp, kỹ thuật.
Đồng thời, không chỉ HS "chán" trường nghề mà ngay cả các trường nghề cũng không "mặn mà" với HS, đặc biệt bậc THCS.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Trường nhận xét, định hướng phân luồng là đúng nhưng trên thực tế chưa đi vào cuộc sống. Đào tạo sau THCS do HS còn bé nên rất vất vả. Tâm lý cha mẹ thì chưa muốn xa con do các trường nghề chủ yếu tập trung ở thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD-ĐT) Quách Tuấn Ngọc thẳng thắn, phân luồng của ta có vấn đề khi Hà Nội là địa phương có điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ cao nhất nước mà vẫn còn có khoảng ½ số thí sinh có tổng điểm 3 môn thi dưới trung bình, thậm chí nhiều em chỉ đạt dưới 1 điểm/môn thi. Nghĩa là 3 năm học phổ thông là học nhầm chỗ và gây lãng phí cho xã hội, gia đình, nhà trường.
Đồng quan điểm trên, ông Dương Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, ngoài các trường TCCN của nhà nước, TPHCM còn có thêm 25 trường tư thục, học nghề đã phát triển trong thời gian gần đây nhưng vẫn vấp phải tâm lý, bước chân vào trường TCCN không hề có định hướng từ đầu. Phụ huynh cũng rất lúng túng khi chọn trường cho con.
Giải pháp – "trăm hoa đua nở"
Qua đây, bà Trinh đề xuất, tài liệu sách nên bổ sung thêm để tránh nặng về lý thuyết hơn thực tế.
Theo ông Dương Ngọc Thanh, sẽ là không công bằng khi người học theo diện phổ cập thì được hưởng 400.000 đồng/HS/năm trong khi người học ở các cơ sở dạy nghề lại không được hỗ trợ bất cứ một khoản kinh phí nào.
Ông Ninh Thành Viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang thì đề xuất, phải có quy mô giáo dục nghề nghiệp ở những vùng còn nhiều khó khăn như biên giới, hải đảo.
Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đã áp dụng giải pháp, đưa cơ sở đào tạo về gần nhân dân, GDTX có chức năng liên kết với các trường nghề để HS vừa tốt nghiệp trường nghề vừa tốt nghiệp THPT.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đi học nghề từ 200-300.000 đồng/HS/tháng. Do đó, Bộ đặt ra chỉ tiêu là 15% vào năm 2010 nhưng Vĩnh Phúc đã đạt được 18,5% phân luồng sau THCS theo bổ túc văn hóa nghề.
Theo ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐTB&XH), các cơ sở dạy nghề muốn thu hút được người học thì phải tăng cường năng lực của mình, có thể trang bị được cho người học không chỉ kiến thức, kỹ năng mà còn cả thái độ nghề nghiệp.
Kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói, cơ cấu chung của ngành kinh tế là đào tạo ĐH, CĐ là thiểu số và đa số là TCCN và dạy nghề. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm hỗ trợ đào tạo với các trường học để mỗi doanh nghiệp là một cơ sở hướng nghiệp, đồng thời có thể đặt hàng đào tạo.
Ông Nhân cũng đề xuất, xem xét lại chương trình giáo dục phổ thông để từ lớp 6 đến lớp 11, mỗi năm 1 lần cho HS đi tham quan thực tiễn các doanh nghiệp. Phấn đấu để các trường có giáo viên chuyên trách về hướng nghiệp.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cam kết, đến năm 2010 sẽ phải có kết quả sơ bộ về nhu cầu nhân lực ở các nhóm ngành nghề giai đoạn 2011-2015 để có kế hoạch đầu tư phù hợp.
Bảo Anh (VNN)

Bình luận (0)