Các thí sinh làm bài thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Y.Hà |
“Sáng cùng con đến điểm thi, trưa về nhà ăn cơm nghỉ ngơi, chiều đưa con đi thi tiếp” – một phụ huynh ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết. Anh kể, đưa con đi thi THPT quốc gia năm 2016 mà nhàn như ngày thường đưa con đi học vậy. Số lượng phụ huynh tập trung tại điểm thi cũng không nhiều. Đường phố đi lại thông thoáng. Thật khác với hình ảnh thi cử căng thẳng trước đây với những đoàn người gồm phụ huynh và thí sinh từ các địa phương khác đổ về khiến nhịp sống TP.HCM đảo lộn vì không thể đáp ứng kịp nhu cầu tăng vọt của xã hội.
Đến cuối buổi thi môn cuối cùng ngày 4-7, trong khi các bậc phụ huynh thở phào nhẹ nhõm vì kỳ thi THPT 2016 đã trôi qua một cách nhẹ nhàng thì những người giữ trọng trách kỳ thi của ngành giáo dục từ Trung ương đến các địa phương cũng không giấu được niềm vui.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có quyết định mạnh mẽ: Thí sinh ở địa phương nào thì thi ở địa phương ấy. Quyết định lập tức được phía phụ huynh đồng tình nhưng đặt ngành giáo dục vào thế khó: Phải tăng vọt cán bộ coi thi tung về các địa phương và phải tổ chức một kỳ thi thật đàng hoàng, nghiêm túc.
Khi quyết định này được triển khai, đã có dư luận bày tỏ lo ngại tiềm lực của các trường ĐH được giao chủ trì cụm thi liệu có đủ sức vươn xa; các hội đồng thi địa phương liệu có “tháo khoán” để đảm bảo chỉ tiêu, thành tích như đã từng xảy ra ở các năm trước…
Trước sức ép của dư luận, ngành giáo dục càng bày tỏ quyết tâm. Hàng ngàn cán bộ coi thi được tập huấn kỹ về quy chế thi. Cận trước ngày thi, các đoàn kiểm tra việc tổ chức thi đã về nhiều địa phương làm việc. Và đền bù cho những nỗ lực ấy, trong phòng thi giờ sạch bóng phao thi, ngoài phòng thi phụ huynh gật gù khen kỳ thi thật… nhàn.
Sức ép của dư luận càng tăng bao nhiêu thì đến nay niềm vui càng lớn bấy nhiêu. Làm việc với ĐH Đà Nẵng ngay khi kỳ thi kết thúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đánh giá tính đến thời điểm này, kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã rất thành công. “Ban đầu đó là một thử thách, vì mở rộng tổ chức đến 70 cụm thi trên toàn quốc. Nhưng nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, nên kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Thí sinh đi thi cũng cảm thấy thoải mái vì được thi trên chính quê hương mình nên không có nhiều áp lực”, ông Ga nói như thế với giới truyền thông.
Đến nay, tuy chưa thể thống kê số tiền mà kỳ thi đổi mới này đã tiết kiệm cho xã hội nhưng có thể khẳng định con số này không hề nhỏ. Về mặt tinh thần, sự nặng nề, căng thẳng của kỳ thi như nỗi ám ảnh bao năm nay đã thật sự được loại bỏ.
Với việc tổ chức thành công kỳ thi THPT 2016, các chuyên gia giáo dục kỳ vọng đã có cơ sở để ngành giáo dục mạnh dạn mở rộng việc giao quyền tự chủ cho các địa phương tổ chức kỳ thi này trong thời gian tới đúng với mục đích: nghiêm túc, nhẹ nhàng và tiết kiệm.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)