Nhiều tập thơ thiếu nhi liên tục được phát hành, được vinh danh tại các giải thưởng. Đây cũng là thể loại rất được ưa chuộng vì dễ đọc cùng trẻ nhỏ, giàu vần điệu và cảm xúc.
Thơ hay, nhiều lựa chọn
Lần đầu tiên, các nhà thơ từ năm 1975 đến nay cùng hội tụ trong tập thơ thiếu nhi chủ đề Sài Gòn của em (Hội Nhà văn TPHCM ấn hành, vừa ra mắt trong khuôn khổ Hội sách thiếu nhi lần V/2024). Tuyển thơ tập hợp tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ: Viễn Phương, Nguyễn Nhật Ánh, Phan Thị Vàng Anh, Thy Ngọc, Hoài Vũ, Đoàn Vị Thượng… Trong đó, có những bài thơ đã đi vào lòng bao thế hệ: Tre Việt Nam (Nguyễn Duy), Tia nắng hạt mưa (Lệ Bình), Mẹ và cô (Trần Quốc Toàn), Ngày xưa có mẹ (Thanh Nguyên)… Trong đó, nhiều nhà thơ đã có tác phẩm in riêng nhưng cũng có tác giả thông qua tuyển tập lần này mới chính thức giới thiệu thơ viết cho trẻ nhỏ.
Tuyển tập thơ thiếu nhi Sài Gòn của em, in thơ của 50 tác giả từ năm 1975 đến nay. Nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM
Trong Tuyển tập 65 bài thơ hay cho thiếu nhi (nhiều tác giả, Nhà xuất bản Kim Đồng), bạn đọc cũng gặp lại những tên tuổi: Phạm Hổ, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh… Đầu tháng Sáu, nhà thơ Trần Hà Yên liên tiếp cho ra mắt 2 tập thơ dành cho trẻ nhỏ: Bác sĩ chim sâu và Từ vườn hoa nhà em (Nhà xuất bản Văn học). Vốn là giáo viên ngữ văn, có cơ hội gần gũi với các em nhỏ, Trần Hà Yên đã viết bằng sự thấu hiểu và yêu thương. Hòa cùng dòng chảy thơ dành cho lứa tuổi hồn nhiên, 2 tác phẩm này góp thêm những vần thơ trong sáng dành tặng các em nhỏ dịp hè.
Trong khi thơ cho người lớn vẫn còn chật vật tìm cơ hội đến với bạn đọc thì thơ thiếu nhi như muôn hoa khoe sắc. Thơ được tái bản cũng là một trong những “kỳ tích” của văn học thiếu nhi thời gian qua, trong đó có thể kể đến tác phẩm của các nhà thơ Cao Xuân Sơn (Con chuồn chuồn đẹp nhất), Hồ Huy Sơn (Những ngọn đèn thơm), tác giả Huỳnh Mai Liên (Biển là trẻ con)… Nhiều giải thưởng văn chương gọi tên các tập thơ thiếu nhi cũng là cơ hội định vị tác phẩm trong lòng bạn đọc. Các mùa giải thưởng Dế Mèn của Báo Thể thao và Văn hóa đã chọn lọc nhiều tập thơ hay: Dắt mẹ đi chơi (Mai Quyên), Phù thủy sợ ma (Thụy Anh), Vương quốc nhỏ bí mật (Lã Thanh Hà)…
Bài học nhỏ cho những giấc mơ lớn
Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm – sáng lập dự án Ô cửa sách, TP Đà Lạt – chia sẻ: đối với tác phẩm văn xuôi, chị sẽ thường đọc qua trước, tóm tắt tác phẩm và chọn phần/chương hay nhất để tổ chức các buổi đọc sách cùng trẻ nhỏ. Nhưng với thơ thì khác, những đoạn trích thơ ngắn cũng có thể truyền cảm hứng và ở lại trong lòng các bé rất lâu, với những cảm nhận sâu sắc.
Tập thơ vừa ra mắt của nhà thơ Trần Hà Yên
Trong dịp đến với các em nhỏ ở Ô cửa sách (nhân trại sáng tác văn học thiếu nhi tại Đà Lạt gần đây), các nhà thơ Lệ Bình, Trần Quốc Toàn… đã hòa giọng cùng các em trong những vần thơ hay cùng giai điệu của bài hát phổ thơ. Thơ cũng là lựa chọn ý nghĩa, hữu ích và dễ dàng cho những buổi giao lưu, truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ nhỏ. Thi ca trở thành chiếc cầu nối để người lớn đến gần hơn với trẻ con bằng những sáng tác trong trẻo, hồn nhiên, đồng thời cũng truyền tải nhiều thông điệp nhân văn, ý nghĩa.
“Trăm sông dài, bãi rộng/ Nghìn núi cao, vực sâu/ Cả bốn biển năm châu/ Mở sách ra là thấy/ Lật một trang sách mới/ Như vung cây đũa thần/ Thấy sao Kim, sao Hỏa/ Thấy ngàn xưa Lý – Trần…” – trích bài thơ truyền cảm hứng đọc sách Mở sách ra là thấy của nhà thơ Cao Xuân Sơn (in trong tập Con chuồn chuồn đẹp nhất). Trong số các tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa cấp tiểu học có bài thơ Yêu tiếng Việt vô cùng ý nghĩa của nhà thơ Huỳnh Mai Liên: “… Tiếng Việt tuôn chảy mãi/ Theo mạch nguồn thời gian/ Vượt bão tố gian nan/ Nhờ bao đời gìn giữ/ Em và bạn nhắn nhủ/ Chăm đọc sách mỗi ngày/ Nắn nót bài văn hay/ Cùng nâng niu tiếng Việt…” (Tiếng Việt 5, tập 2, bộ Cánh diều).
Nhà thơ Huỳnh Mai Liên bắt đầu sáng tác thơ thiếu nhi từ những câu hỏi của con, nhưng rồi chị đã lao động sáng tạo miệt mài và nghiêm túc để có được các tập thơ: Biển là trẻ con, Ngày xưa của con, Nhà mình vui nhất… Viết cho trẻ nhỏ bằng tình yêu thương và sự thấu hiểu, nhưng đồng thời cũng luôn là sự tìm tòi, trau dồi không ngừng của người cầm bút. “Thơ thiếu nhi đòi hỏi ngôn ngữ đặc thù riêng. Làm thế nào để hóa thân hay nhập vào thế giới nội tâm phong phú ấy của các con để viết luôn là thử thách với người cầm bút” – nhà thơ Trần Hà Yên chia sẻ.
Vài năm trước, thơ thiếu nhi còn là mảnh đất thưa vắng, ít người cày xới, nhưng nay, ngày càng có thêm nhiều tác phẩm (in riêng hoặc tuyển tập) của tác giả mới bắt đầu viết cho thiếu nhi hay những cây bút sáng tác lâu năm. Cùng với phần tranh minh họa được đầu tư chăm chút, bắt mắt, thơ thiếu nhi đã mở được con đường đến gần hơn với bạn đọc nhỏ tuổi.
Theo Cầm Thi/PNO
Bình luận (0)