Chương trình ngữ văn 2018 quy định lớp 10 học về thơ nói chung, với yêu cầu cụ thể là: Học sinh phân tích và đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo mà người viết thể hiện qua văn bản; giá trị thẩm mỹ của một số yếu tố trong thơ như từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, đối, chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình.
Một tiết học môn ngữ văn của học sinh lớp 10 (ảnh minh họa). Ảnh: V.Yên
Ngoài ra, cần phải lựa chọn được các bài thơ tiêu biểu cho thành tựu văn học trong, ngoài nước. Đáp ứng yêu cầu đó, sách ngữ văn 10 (bộ Cánh diều) dạy cách đọc thơ cho học sinh với 2 bài: Thơ Đường luật (trung đại) và thơ tự do sau Cách mạng tháng Tám (1945).
1. Thơ Đường luật (bài 2, tập 1)
Bài này tập trung vào các bài thơ Đường luật viết bằng chữ Hán và chữ Nôm (thơ Nôm Đường luật). Thơ Đường luật vốn là thể thơ nổi tiếng có mặt từ lâu trong kho tàng văn học dân tộc. Đó cũng là thể loại thơ phổ biến trong văn học các nước khu vực văn hóa Đông Á thời trung đại (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam). Thơ Nôm Đường luật là những bài thơ dựa trên cơ sở của thơ Đường luật và thơ ca dân tộc, ông cha ta đã sáng tạo ra và viết bằng chữ Nôm, chữ của người Việt.
Thơ Đường luật trong sách ngữ văn 10 gồm các văn bản: “Cảm xúc mùa thu” (Thu hứng – Đỗ Phủ); “Tự tình” (Hồ Xuân Hương); “Câu cá mùa thu” (Thu điếu – Nguyễn Khuyến) và văn bản dùng để tự đánh giá là bài “Tỏ lòng” (Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão). Bốn văn bản vừa nêu đều là các bài thơ kế thừa trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành. Chỉ khác là các văn bản thơ Đường luật ở sách giáo khoa hiện hành học rải rác ở các bài khác nhau theo lịch sử văn học; còn ở đây học tập trung vào một bài. Việc lựa chọn các văn bản thơ trong bài này dựa trên ý tưởng: Có thơ Đường thời Đường và đại diện cho thơ nước ngoài (Đỗ Phủ); có thơ Đường viết bằng chữ Nôm của các nhà thơ Việt Nam nổi tiếng (Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến); có thơ Đường viết bằng chữ Hán (Đỗ Phủ và Phạm Ngũ Lão).
Nội dung các văn bản thơ Đường rất phong phú. Đỗ Phủ viết về mùa thu nhưng chính là để thể hiện một cách sâu sắc nỗi thương nhớ quê hương và sự quan tâm lo lắng cho vận mệnh đất nước trong thời buổi loạn ly (Thu hứng). Bài “Tự tình” của Hồ Xuân Hương thể hiện nỗi trăn trở đầy thương cảm về thân phận người phụ nữ; qua đó mà khẳng định nhu cầu, khát vọng về hạnh phúc của con người. “Câu cá mùa thu” (Thu điếu) của Nguyễn Khuyến tả ao thu trong veo, yên tĩnh nhưng chủ yếu là để nói lên nỗi lòng không yên; thể hiện nỗi niềm về đất nước, về thời cuộc của nhà thơ. Khép lại là bài “Tỏ lòng” (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão, một áng thơ hùng tráng mang hơi thở “hào khí Đông A” oai hùng của dân tộc một thời. Về hình thức, các bài thơ Đường ở đây đều đáp ứng được yêu cầu: Giúp học sinh thấy được giá trị thẩm mỹ của một số yếu tố trong thơ mà chương trình đã nêu lên. Đó là các hình ảnh có tính ước lệ, tượng trưng cao, chứa đựng tâm sự, cảm xúc của tác giả về thiên nhiên, thời cuộc và con người; là cách gieo vần, là nghệ thuật đối (đối từ, đối ý…) theo luật thơ Đường. Ngoài ra cũng thấy được những thay đổi về nhịp điệu câu thơ, các phép đối, sử dụng nhiều từ ngữ và hình ảnh từ đời sống mang bản sắc dân tộc trong các bài thơ Nôm Đường luật.
2. Thơ tự do (bài 7, tập 2)
Khác với chương trình 2006, lớp 10 chỉ tập trung vào văn học dân gian và trung đại, chương trình ngữ văn 2018 học đọc theo thể loại và kiểu văn bản, không theo giai đoạn văn học. Vì thế, các tác phẩm có thể đan xen cổ, kim để học sinh tiếp cận với nhiều “món ăn” khác nhau, đa dạng hơn; cùng một thể loại nhưng tác phẩm khó sẽ học lớp sau để phù hợp với trình độ và tâm lý lứa tuổi. |
Thơ tự do trong sách ngữ văn 10 gồm một số bài thơ trữ tình nói chung. Đó là các bài thơ Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Với chùm thơ này, học sinh được đọc các bài “Đất nước” (Nguyễn Đình Thi); “Lính đảo hát tình ca trên đảo” (Trần Đăng Khoa); “Đi trong hương tràm” (Hoài Vũ); “Mùa hoa mận” (Chu Thùy Liên) và “Khoảng trời, hố bom” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Có thể thấy các văn bản thơ ở bài này, dù nhiều bài quen thuộc nhưng đều là văn bản mới so với sách giáo khoa hiện hành. Chúng được lựa chọn dựa trên cơ sở sau: Về thời gian, có thơ viết trong kháng chiến chống Pháp (Đất nước), có thơ viết trong kháng chiến chống Mỹ (Đi trong hương tràm; Khoảng trời, hố bom), có thơ viết về cuộc chiến đấu giữ gìn biên cương tổ quốc sau này (Lính đảo hát tình ca trên đảo) và có thơ về cuộc sống hiện nay (Mùa hoa mận). Về tác giả, có ba nam, hai nữ; có tác giả người dân tộc ít người (Chu Thùy Liên). Về không gian địa lý, có thơ viết về núi rừng miền Bắc (Đất nước, Mùa hoa mận), có thơ viết về Nam bộ (Đi trong hương tràm), có thơ viết về biển đảo (Lính đảo hát tình ca trên đảo), có thơ viết về sự việc diễn ra ở mảnh đất miền Trung (Khoảng trời, hố bom)… Nội dung các bài thơ đều tập trung nói lên những suy nghĩ và tình cảm thiết tha, sâu nặng về đất nước và con người Việt Nam. Bài thơ “Đất nước” là niềm xúc động, vui sướng, tự hào của tác giả trước đất trời giải phóng. “Lính đảo hát tình ca trên đảo” viết về các chiến sĩ Trường Sa với giọng thơ tinh nghịch, tếu táo mà chứa chan tình cảm, sự thông cảm, thương yêu hết mực của tác giả với những người lính đảo. “Đi trong hương tràm” là khúc hát đằm thắm, say mê, tự hào của tác giả về tình yêu cá nhân luôn hòa quyện với tình quê hương đất nước. “Mùa hoa mận”, bài thơ của một nhà thơ trẻ người dân tộc Hà Nhì ghi lại cảnh và người Tây Bắc trong mùa hoa mận, đậm đặc không khí vùng cao với những cảm xúc rất tươi mới, nồng ấm và đầy ý vị. Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” là nỗi xúc động, sự nghĩ suy sâu lắng của nhà thơ trước lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả của những nữ thanh niên xung phong…
Khác với chương trình 2006, lớp 10 chỉ tập trung vào văn học dân gian và trung đại, chương trình ngữ văn 2018 học đọc theo thể loại và kiểu văn bản, không theo giai đoạn văn học. Vì thế, các tác phẩm có thể đan xen cổ, kim để học sinh tiếp cận với nhiều “món ăn” khác nhau, đa dạng hơn; cùng một thể loại nhưng tác phẩm khó sẽ học lớp sau để phù hợp với trình độ và tâm lý lứa tuổi.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)