Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thơ về Trường Sơn của Phạm Tiến Duật

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: T.L

1.Đạt giải nhất thơ của Báo Văn nghệ1969-1970 với cụm tác phẩm xuất sắc: Lửa đèn, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Nhớvà Gửi em cô thanh niên xung phong, Phạm Tiến Duật thực sự là một hiện tượng nổi bật của đời sống thơ ca thời chiến tranh chống Mỹ, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng tiếp nhận lúc bấy giờ. Không chỉ mang đến cho nền thơ ca chống Mỹ một kiểu diễn ngôn trữ tình và những tìm tòi đổi mới về thi pháp, Phạm Tiến Duật được coi là một tên tuổi sáng giá còn bởi nhà thơ bằng vốn sống phong phú và sự tươi trẻ của tâm hồn đã viết nên những bản tình ca bay bổng về thế hệ nam nữ thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”. Nói cách khác, Phạm Tiến Duật đã nhìn một phần chiến tranh qua lăng kính của tình yêu tuổi trẻ, tình cảm lứa đôi. Chính đó là nội lực thôi thúc để ông trở thành một trong những nhà thơ đầu tiên dệt nên những mối tình trong sáng, tuyệt vời lãng mạn vượt lên mọi gian khổ hy sinh của chiến tranh. Một phần không gian Trường Sơn trong Phạm Tiến Duật là “không gian tình tự”.

Sức hấp dẫn của thơ Phạm Tiến Duật không chỉ ở sự mới mẻ trong cách thức lựa chọn góc độ tiếp cận hiện thực, ở cấu tứ, giọng điệu, thể hiện một trình độ kỹ thuật chắc tay, mà còn ở sự trẻ trung, tươi tắn của những chàng trai, cô gái – những nguyên mẫu đời thường đã hồn nhiên đi vào trang thơ, trở thành những biểu tượng rạng rỡ cho vẻ đẹp và sức sống tình yêu của tuổi trẻ thời đại chống Mỹ. Hiện lên giữa khung cảnh “bụi mù trời mùa hanh, nước trắng khe mùa lũ” là những “người đẹp Trường Sơn” đáng yêu, duyên dáng từ gương mặt đến nụ cười, từ mái tóc đến giọng nói. Họ là một kiểu nhân vật trữ tình luôn tồn tại bên cạnh cái tôi chủ thể, là đối tượng để nhà thơ trao gửi tâm tư, tình cảm. Cái tôi trữ tình trong thơ Phạm Tiến Duật thuở ấy thường là cái tôi trực tiếp, xưng danh bằng ngôi thứ nhất (tôi hoặc anh, nhưng ngôi anh chiếm tỷ lệ cao hơn). Dù xưng danh theo kiểu nào thì đó vẫn là cái tôi thông minh, yêu đời, vui nhộn. Thơ của ông thường được lập tứ một cách độc đáo, các ý được liên kết trên nền một câu chuyện nhỏ (ngay cả những bài thơ mang dáng dấp tứ tuyệt như Nhớ). Nhiều bài còn được mở đầu bằng kể việc nhưng luôn có sự hài hòa, nhuần nhuyễn giữa miêu tả và biểu hiện, nội tâm và ngoại cảnh.

2.Hình tượng tác giả trong thơ Phạm Tiến Duật thời chống Mỹ không hẳn là đồng nhất nhưng thường được đặt ở vị trí phát ngôn, có chung điểm nhìn với những chàng “lính măng tơ”, ra trận với một trái tim háo hức, nhiều khao khát và căng tràn sức trẻ. Chỉ có người trong cuộc, người cùng thế hệ có chung những “vùng sóng giao thoa” mới cảm hiểu và chia sẻ, thậm chí là mới có thể “đọc nhanh”, “đọc đúng vị” nét bồng bột, ngây thơ và rất đáng yêu qua cách làm quen và điệu bộ vui vui của chàng lính trẻ: “Cái cậu trẻ măng cất tiếng hát/ Khi biết trong hầm có cô bé đang nghe” (Vầng trăng và những quầng lửa), cũng như triết lý riêng rất dễ thương mang màu sắc duy mỹ của tuổi trẻ, của những chàng trai – theo cách nói dân gian là – chỉ “yêu bằng mắt”.

Những câu thơ giản dị, chân thật đã phác họa nên bức tranh cảm động về những năm tháng chiến tranh. Nhưng đằng sau nó và sâu xa hơn đó là cái nhìn ít nhiều mang đặc tính giới – một phần tất yếu của đời sống con người. Với Phạm Tiến Duật, sự có mặt của những người con gái ở nơi sự sống và cái chết chỉ là gang tấc, cụ thể hơn, “giữa một vùng đất khô rang” thì “em bỗng đến như dòng sông đầy nước”. Vẻ đẹp tươi tắn của những người con gái đã làm dịu đi cái khốc liệt của chiến tranh; đời sống chiến trường, theo đó, cũng thơ mộng và đáng yêu hơn. Thanh sắc của những người đẹp luôn trở đi trở lại trong thơ Phạm Tiến Duật. Đó có thể là một gương mặt “hồng hồng xinh quen”, “một tiếng cười giòn”, một giọng nói “nghe buồn cười đáo để”…  Và cái cao cả, cái anh hùng nhiều khi thẩm thấu vào cái bình thường, song tồn cùng nếp sinh hoạt thường nhật. Không gian chiến tranh tưởng như thơm tho hơn bởi trong một tương phản, đối lập gay gắt, nhà thơ vẫn cảm nhận đủ đầy sức quyến rũ và sự thăng hoa của bản sắc nữ: “Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét/ Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương” (Lửa đèn).

Trong số những bản tình ca thời chống Mỹ, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” không chỉ tiêu biểu cho phong cách thơ Phạm Tiến Duật mà còn chung cho cả nền thơ trẻ chống Mỹ cứu nước, từ cảm hứng đến giọng điệu. Lời thơ được cất lên từ đôi cánh lãng mạn, giàu nhiệt huyết và phơi phới niềm vui, dìu dặt, tha thiết: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”. Những vật vô tri như mưa, nắng, suối, khe, măng, rau, cái gạt nước, cái nhành cây… đều cùng tham dự vào diễn biến tình yêu và trở thành hệ sinh thái vừa nuôi dưỡng, vừa biểu thị dòng cảm xúc tha thiết nhớ nhung của đôi lứa đang yêu. Cảnh vật cũng như thấu hiểu mọi nỗi tâm tư, tình cảm của con người: “Anh lên xe, trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ/ Em xuống núi nắng về rực rỡ/ Cái nhành cây gạt mối riêng tư”.

3.Trong nỗ lực cách tân để tìm kiếm những cách cảm, cách nói mới phù hợp với xu thế vận động và khả năng chiếm lĩnh hiện thực của thơ ca thời đại chống Mỹ, Phạm Tiến Duật đã rất thành công. Thơ ông có sự kết hợp giữa lý tưởng và hiện thực, giữa cái riêng cá nhân và cái chung cộng đồng. Đó là sự lựa chọn phù hợp với quỹ đạo vận động của thơ viết về chiến tranh cách mạng, về thời đại chống Mỹ cứu nước. Chính vì vậy, nhân vật trữ tình trong thơ Phạm Tiến Duật luôn được đặt trong một phông nền rộng lớn là đồng đội, là đám đông tập thể. Những da diết riêng tư không tách rời hơi thở và nhịp sống của cả một thế hệ. Sắc thái trữ tình hòa vào âm hưởng sử thi cuồn cuộn: “Từ nơi em gửi đến nơi anh/ Những đoàn quân trùng trùng ra trận/ Như tình yêu nối lời vô tận/ Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn” (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây). Bài thơ là sự đánh dấu một chặng đường thơ Phạm Tiến Duật: sôi nổi, trẻ trung, lạc quan, yêu đời. Bằng nhiệt tâm của người cầm bút, ông lưu giữ trong sáng tác của mình một không gian Trường Sơn kỳ vĩ với cả hai cánh Đông – Tây, những gương mặt, bóng dáng thân thương và đời sống tình cảm trong trẻo, nồng nàn của những cô thanh niên xung phong “ba sẵn sàng xanh áo” cùng những “anh bộ đội áo màu xanh”. Phạm Tiến Duật vì vậy được coi là người lĩnh xướng của dàn đồng ca thơ chống Mỹ trước 1975: chất giọng cao, vang ngân và khỏe khoắn. Hình như duy có một lần, trong một cuộc chia tay ngậm ngùi, lưu luyến, bịn rịn, nhà thơ đã để cho nhân vật trữ tình có những phút yếu đuối, giọng thơ trầm hơn, buồn vui lẫn lộn.

Trong một cuộc đàm đạo về nghề, Phạm Tiến Duật đã nói: “Tôi không quy định nhịp thơ. Nhịp đời thế nào thì nhịp thơ tôi thế ấy”. Điều đó cắt nghĩa vì sao thơ ông lại có hai cung “thăng” và “trầm” khác nhau ở hai đoạn đời trong và sau chiến tranh. Từ tư duy hướng ngoại chuyển sang tư duy hướng nội, từ cảm hứng sử thi, cộng đồng sang cảm hứng thế sự, đời tư, thơ Phạm Tiến Duật chuyển từ điệu thơ khỏe khoắn, lạc quan, yêu đời, vui sống sang nhịp giọng trầm buồn, đượm sắc thái tự vấn, ưu tư, trăn trở…

Trải qua nửa thế kỷ cầm bút, bên cạnh những thể loại cùng những hoạt động nghệ thuật đa dạng khác, Phạm Tiến Duật đã để lại nhiều sáng tác thơ giá trị, trong đó nổi bật nhất là hai tập Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970) và Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 1997). Qua những câu chuyện tình xúc động, có sức lan tỏa, Phạm Tiến Duật đã thắp sáng ngọn lửa lý tưởng và vẻ đẹp sáng ngời của người lính thời chống Mỹ. Những giai điệu tình yêu được cất lên giữa không gian Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật ngày ấy sẽ là những bài ca “đi cùng năm tháng”.

Lý Hoài Nam

Bình luận (0)