Nhật Bản và Philippines hôm 8-7 ký kết Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ (RAA) nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh chặt chẽ hơn.
Theo hãng tin Kyodo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã ký RAA tại dinh tổng thống ở thủ đô Manila dưới sự chứng kiến của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.
Sau lễ ký, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa mô tả đây là "thành tựu lớn", đồng thời nói thêm Tokyo sẽ tăng cường hợp tác với chính quyền Tổng thống Marcos nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế mở và tự do.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết RAA tăng cường hiệu quả hợp tác quốc phòng hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Teodoro cũng gọi đây là cột mốc quan trọng khác trong nỗ lực chung của hai nước nhằm bảo đảm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Tiến trình đàm phán về RAA kéo dài hơn 7 tháng và thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau khi được quốc hội hai nước phê chuẩn.
Văn kiện này cung cấp khuôn khổ pháp lý để Philippines và Nhật Bản cử binh sĩ đến lãnh thổ của nhau để tập trận chung và tham gia các hoạt động khác, như tuần tra hàng hải. Đây là mức độ tiếp cận quân sự tương tự như Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) giữa Mỹ và Philippines. Đây là RAA đầu tiên giữa Nhật Bản và một quốc gia Đông Nam Á.
Trước đó, Nhật Bản đã ký RAA với Úc và Anh, cả hai thỏa thuận này có hiệu lực vào năm ngoái. Nhật Bản cũng có một hiệp ước tương tự với Mỹ, được gọi là Hiệp định về Quy chế Lực lượng.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro ký Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ (RAA) tại thủ đô Manila – Philippines hôm 8-7. Ảnh: Reuters
Trước RAA, các thỏa thuận quân sự song phương giữa Manila và Tokyo chỉ giới hạn ở hoạt động nhân đạo và cứu trợ thảm họa, cũng như trao đổi chuyên gia.
Một khi RAA có hiệu lực, Nhật Bản sẽ có thể tham gia cuộc tập trận quân sự Balikatan với tư cách thành viên chính thức. Đây là cuộc tập trận quy mô lớn do Philippines và Mỹ tiến hành hằng năm mà Lực lượng phòng vệ Nhật Bản từng tham gia với tư cách quan sát viên.
Khi được hỏi liệu Philippines có kế hoạch thương thảo về một hiệp ước phòng thủ chung (MTD) với Nhật Bản tương tự như những gì đang có với Mỹ hay không, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo cho biết điều đó sẽ phụ thuộc vào diễn biến của các tình huống trong những tháng tới. Theo MTD, Mỹ cam kết hỗ trợ Philippines trong trường hợp bị một quốc gia nước ngoài tấn công vũ trang và ngược lại.
Phản ứng trước thông tin Nhật Bản và Philippines ký kết RAA, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương không cần các khối quân sự và không nên kích động sự đối đầu giữa các phe phái khác nhau.
Đáp lại, bà Kamikawa nhấn mạnh RAA không có ý định nhắm vào quốc gia cụ thể nào mà hướng tới mục tiêu tăng cường quan hệ giữa Manila và Tokyo, cũng như thúc đẩy hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tương tự, ông Manalo khẳng định RAA có thể đóng vai trò là một tiến trình hướng tới sự ổn định trong khu vực.
Theo Kyodo, Nhật Bản và Philippines đã tăng cường quan hệ quốc phòng trong những năm gần đây để ứng phó với các hoạt động ngày càng gia tăng và các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở cả biển Hoa Đông và biển Đông.
Chuyên gia Robin Garcia tại Công ty Quan hệ công chúng WR Advisory Group (Philippines) nhận định với tờ The Straits Times rằng việc ký kết RAA mở đường cho quân đội Philippines và Nhật Bản hài hòa các chiến lược trong việc chuẩn bị cho xung đột tiềm tàng ở 3 khu vực: biển Hoa Đông, biển Đông và eo biển Đài Loan.
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)