Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thoái hóa hoàng điểm tuổi già

Tạp Chí Giáo Dục

Hình ảnh THHĐTG ở thể ướt
Con người càng về già thị lực càng bị suy giảm do bệnh tật, trong đó phải kể đến bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già (THHĐTG). PGS.TS.BS Lê Minh Tuấn (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) cho biết, tuy không gây mù hoàn toàn nhưng THHĐTG là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bất lực về thị giác.
Thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi, vì thế bệnh này ít được quan tâm nên thường để lại hậu quả đáng tiếc về chất lượng thị lực.
Các thể THHĐTG
Trước hết phải hiểu được hoàng điểm là gì? BS. Tuấn cho biết, hoàng điểm chỉ là một phần nhỏ của trung tâm võng mạc có đường kính 6mm giúp võng mạc nhận diện con người, đọc sách, lái xe. Còn võng mạc là mô thần kinh của nhãn cầu có nhiệm vụ cảm nhận ánh sáng. Khi hoàng điểm bị thoái hóa thì chức năng cảm nhận ánh sáng của võng mạc sẽ bị giảm gây khó khăn cho người bệnh khi quan sát, đọc sách, đi đường. Đây là căn bệnh làm rối loạn hoàng điểm gây mất thị lực tập trung. Trong quá trình tiến triển, THHĐTG  đi qua 3 giai đoạn: Thể khô, teo hoàng điểm hình bản đồ và thể ướt. Nếu ở thể khô là giai đoạn đầu, THHĐTG tiến triển chậm, biểu hiện rõ là xuất hiện các đốm màu vàng ở gần hoàng điểm (còn gọi là cặn lắng ngoại tế bào) thì thể teo hoàng điểm hình bản đồ là giai đoạn muộn của thể khô. Ở thể khô, lớp biểu mô sắc tố võng mạc đã hoàn toàn thoái hóa. Giai đoạn cuối cùng chuyển sang thể ướt tuy tỷ lệ thấp nhưng nhanh chóng dẫn đến mù lòa. Lúc này hiện tượng rò rỉ máu sẽ dẫn đến bong võng mạc, làm biến hình thị giác khi hoàng điểm nhô lên. Cùng với THHĐTG, phù hoàng điểm do đái tháo đường và phù hoàng điểm do tắc tĩnh mạch võng mạc là những bệnh lý về đáy mắt sẽ dẫn đến mù mắt nếu không điều trị kịp thời.
TS.BS Trần Thị Phương Thu (Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Phương Nam) trao đổi, bệnh nhân THHĐTG nhất là thể khô thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng biểu hiện nhẹ như mờ nhẹ thị lực trung tâm, độ tương phản kém rối loạn nhìn màu. Nhưng đến khi chuyển sang thể ướt thị lực sẽ giảm đột ngột do xuất huyết dưới võng mạc. Theo BS. Thu, bệnh THHĐTG thường bị cả hai bên mắt nhưng lại không đối xứng.
Hướng điều trị tích cực 
Về phương pháp chữa trị, theo BS. Tuấn, để theo dõi được chức năng thị giác người bệnh cần được thăm khám định kỳ theo chỉ định của BS thông qua chụp mạch huỳnh quang. THHĐTG hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn nên chỉ điều trị để làm chậm đáng kể triệu chứng mất thị giác trầm trọng. Muốn ngăn cản được THHĐTG cần điều trị bằng phương pháp uống thuốc chống tăng sinh mạch máu. Các bệnh nhân ở thể ướt thuốc có tác dụng ngăn cản sự phát triển tân mạch và dịch rỉ mạch máu bất thường.
Nếu mới ở thể khô thì tăng cường các loại vitamin cần thiết như E, C, kẽm, đồng vì thuốc làm giảm nguy cơ mất thị giác. Sử dụng laser năng lượng để phá hủy những mạch máu xuất hiện bất thường xung quanh hoàng điểm cũng là cách can thiệp cần thiết. Nếu khi đó chưa có tác dụng thì cần đến phẫu thuật để loại bỏ ra những mạch máu lạ, dịch và huyết rò rỉ trong nhãn cầu. Một cách làm khác của BS là phẫu thuật chuyển dịch vị trí võng mạc để di chuyển vị trí hoàng điểm ra khỏi vùng có tân mạch hắc mạc để đến nơi võng mạc lành mạnh. Phương pháp này không ngoài mục đích ngăn cản sự hình thành mô sẹo và tổn hại nặng thêm của võng mạc.
Bài, ảnh: Quang Phan  
“Dù bị THHĐTG, nhưng nhìn chung người cao tuổi vẫn có thể thực hiện được nhiều hoạt động khác do thị giác không bị mất hoàn toàn. Vì thế bệnh nhân cũng đừng quá lo lắng mà phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu có biểu hiện thị lực giảm thì cần được BS đánh giá chính xác thị lực, tìm ra mức độ THHĐTG theo 3 thể để có được hướng điều trị tích cực. Kịp thời ngăn chặn bằng các phương pháp phù hợp, tránh bỏ mặc chủ quan làm cho bệnh nặng thêm” – BS. Tuấn khuyên.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)