Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thoái hoá khớp

Tạp Chí Giáo Dục

Thoái hóa khớp là hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn điểm nối giữa hai đầu xương. Thoái hóa khớp không chỉ xuất hiện riêng ở người lớn tuổi, mà có thể xuất hiện và phát triển từ lúc trẻ mới sinh. Nhiều
nghiên cứu cho thấy: khoảng 30% số người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 80 tuổi có nguy cơ mắc bệnh. Sau độ tuổi 45, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao gấp 1,5 – 2 lần so với nam giới.
Ở người cao tuổi, thoái hóa khớp phần lớn không có nguyên nhân rõ rệt. Các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa gồm tuổi tác, tình trạng béo phì, chấn thương nhẹ và bệnh mạn tính ở khớp. Trong quá trình lão hóa, chức năng chống đỡ của sụn bị suy giảm và dễ hư hỏng khi cử động. Thêm vào đó, các chấn thương nhẹ nhưng kéo dài nhiều năm, do khuân vác đồ nặng, cũng làm tăng gánh nặng cho các khớp khiến sự thoái hóa thêm trầm trọng. Yếu tố di truyền và di chứng từ các bệnh lý khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thoái hóa khớp thường tiến triển chậm. Vào giai đoạn khởi phát, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhức sau một vài động tác nhỏ. Một số trường hợp còn không cảm thấy đau đớn ở giai đoạn này. Thông thường, bệnh nhân có các biểu hiện như đau âm ỉ ở phần tiếp nối giữa hai đầu xương, cứng khớp (xảy ra định kỳ như khi vừa ngủ dậy hoặc đứng lên), sưng tấy tại một hoặc nhiều khớp, có tiếng lạo xạo, lục cục khi co duỗi khớp gối, càng vận động càng đau nhiều. Nếu có cảm giác nóng, đỏ và sưng tại các khớp nghĩa là thoái hóa khớp đi kèm một căn bệnh khác.
Thoái hóa khớp thường xảy ra ở những vị trí sau: Cột sống thắt lưng, cột sống cổ, ngón tay, gót chân, khớp gối, khớp háng. Nếu thấy đau nhức ở các khớp và khó di chuyển trong hai tuần, bạn nên đi khám bác sĩ để xác định loại thoái hóa khớp. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp giảm thiểu đáng kể cơn đau và nguy cơ tàn phế. Hiện có hai phương pháp điều trị: không dùng thuốc và dùng thuốc. Trong điều trị không dùng thuốc (thường được chỉ định cho trường hợp nhẹ), bác sĩ áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn hay siêu âm, xung điện để giảm đau. Vận động là một trong những liệu pháp có hiệu quả trong giai đoạn cơn đau đã thuyên giảm. Lúc đau nhiều, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh cho khớp phải hoạt động. Nếu việc điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc không có hiệu quả tích cực, bác sĩ sẽ kê một số thuốc có tác dụng kháng viêm – giảm đau và thuốc giãn cơ.
Bác sĩ Trần Quốc Ninh (SK&ĐS)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)