Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thoại Mỹ: Đời tôi đã bớt sóng gió

Tạp Chí Giáo Dục

Từng trải qua giai đoạn khó khăn trong chuyện tình cảm, NSƯT Thoại Mỹ tâm sự, hiện giờ lòng chị đã tĩnh tại và dốc sức cho sân khấu. Chị cho biết, ngoài hai đứa con nuôi, chị đang có một bờ vai bên cạnh để nương tựa.

Dạo này khi gặp nghệ sĩ Thoại Mỹ ngoài đời, không ít người ngạc nhiên vì chị trẻ trung hẳn, vì sao thế?

– Trước đây, vì có vài chuyện buồn, tôi khóc rất nhiều, mặt mày xuống sắc rõ nét. Nhưng rồi tôi nghĩ "mình phải tự cứu lấy mình", tôi tìm đến kinh kệ nhà Phật, khi đọc kinh thấy nhẹ lòng. Tôi san sẻ tình cảm yêu thương cho hai con nuôi và mở cửa trái tim để đón nhận tình cảm của mọi người. Nói thật là vài năm trở lại đây tôi thấy đời mình bớt sóng gió đi, và thêm nhiều thoải mái, bình yên.

NSƯT Thoại Mỹ. Ảnh: Đất Mũi.

– Nghệ sĩ nói chung và nữ nghệ sĩ nói riêng thường là những người giàu tình cảm. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị lấy thăng bằng cho mình bằng cách nào?

– Khi lấy chồng vào năm tôi 21 tuổi, chúng tôi đã có thời gian sống thử với nhau trước đó khá lâu. Thế nhưng, đến năm tôi 28 tuổi thì xảy ra đổ vỡ. Thật ra, ban đầu, tôi cũng chỉ nghĩ thử làm liều ly dị để người ta nhận ra cái sai, để thấy mình cần thiết với người ta và có thể người ta thương mình hơn rồi quay lại. Nhưng khi đã xa nhau, người ta vẫn không nhận ra điều đó. Rồi đến lúc, anh ấy muốn quay lại thì đã muộn.

Giờ mọi chuyện xa rồi, tôi cũng đã có một bờ vai để mình nương tựa, còn chồng tôi đã có gia đình riêng. Chúng tôi vẫn xem nhau như bạn.

Khi yêu ai tôi yêu hết mình, hết lòng, nên khi đổ vỡ thì dễ rơi vào thất vọng. Cũng may, khác với trên sân khấu, ngoài đời tôi là người luôn tỉnh táo trước mọi việc và rất biết thích nghi với mọi hoàn cảnh.

NSƯT Thoại Mỹ (thứ hai từ trái qua) diễn vai Mỵ Nương bên cạnh Kim Tử Long trong vở cải lương tiền tỷ "Chiếc áo thiên nga". Ảnh: T.H.

– Vốn dành nhiều thời gian để biểu diễn cho khán giả ở những vùng quê, chị cảm nhận sức sống của nghệ thuật cải lương tại những nơi này thế nào?

– Ở các tỉnh miền Tây, cải lương vẫn diễn được và còn đất sống dồi dào. Càng đi vào vùng sâu vùng xa, tôi càng thấy tình cảm của bà con dành cho cải lương dường như không thay đổi. Ngay khi trời mưa, sân bãi sình lầy, sân khấu nhem nhuốc mà người xem vẫn háo hức đến để được nghe đôi câu vọng cổ.

– Chị có thể chia sẻ kỷ niệm về một chuyến lưu diễn đáng nhớ của mình?

– Mới đây, tôi có chuyến lưu diễn rất thú vị cùng nghệ sĩ Trọng Phúc, Vũ Luân tại Cà Mau. Từ TP HCM, tôi đi xe hơi về thành phố Cà Mau, rồi đón xe ôm, sau đó leo lên ca nô, đi tàu… để vào được tận những vùng nông thôn có cái tên chắc ít người nghe đến như: Đầm Cùng, Cái Nước, Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm, Ông Trang… Một ngày chúng tôi phải di chuyển nhiều cây số qua nhiều phương tiện, may mà có sức khỏe tốt, chứ nếu không, đến nơi chưa chắc có thể nói ra hơi huống gì là hát.

– Chị đắt sô và bận rộn với việc ra album, ghi đĩa, biểu diễn trên sân khấu tại thành phố. Vì sao chị lại bỏ công sức về quê xa, tỉnh lẻ diễn trong khi những nơi này giá vé bán ra chỉ ở mức bình dân?

– Chỉ khi diễn ở tỉnh xa, tôi mới có dịp ngồi xe ôm để chuyện trò cùng người lái xe xem năm nay người vùng quê được mùa hay mất mùa; năm nay họ trúng hay lỗ vuông tôm. Ở quê bây giờ, có người còn bán tôm, bán lúa để có tiền mua vé xem cải lương, ca nhạc. Xem xong, nhiều khi họ chỉ cần được chụp hình chung hoặc chạm vào người nghệ sĩ một cái là đã thấy vui. Đó là trải nghiệm quý giá trong đời một người nghệ sĩ.

– Kế hoạch dành cho nghệ thuật cải lương trong năm 2009 của chị là gì?

– Trước mắt, tôi chuẩn bị tiết mục biểu diễn trong chương trình hội ngộ của nghệ sĩ Vũ Linh và nghệ sĩ Thanh Tâm. Sắp tới, nghệ sĩ Hương Lan thực hiện một liveshow và tôi cũng được mời tham gia một trích đoạn. Ngoài ra, tôi luôn mong TP HCM có một rạp hát thật đẹp dành cho cải lương để anh em nghệ sĩ có chỗ tập tuồng mà không phải thấy chuột, và có chỗ để thỏa sức sáng tạo, làm nghề.

Thoại Hà (Theo VNE)

Bình luận (0)