Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thoáng nửa vời, thí sinh chịu thiệt

Tạp Chí Giáo Dục

 Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các trường không được kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt đầu tiên trước ngày 7-9. Văn bản này được cho là để đảm bảo quyền lợi thí sinh, bởi như bộ thừa nhận: “do nhiều lý do khách quan, có thể nhiều thí sinh vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận kết quả thi trước ngày 31-8 để tham gia xét tuyển”.

Thế nhưng thực tế từ ngày 25-8, hàng chục trường ĐH đã khóa sổ việc nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung và cũng có không ít trường công bố điểm chuẩn xét tuyển bổ sung.
Điều này đồng nghĩa với việc nhiều thí sinh đủ điều kiện đã không thể tham gia đăng ký xét tuyển. Bởi thực tế, ròng rã suốt hai tuần qua hàng ngàn thí sinh, phụ huynh ở TP.HCM đã dáo dác chạy khắp nơi “xin” giấy báo điểm. Phụ huynh các tỉnh còn khổ hơn, họ đứng ngồi không yên vì “sắp hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển nhưng vẫn chưa thấy trường gửi giấy báo điểm”. Nhiều phụ huynh ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Gia Lai… vì quá sốt ruột đã bắt xe đến tận các trường ĐH ở TP.HCM để hỏi giấy báo điểm cho con em mình.
Phụ huynh không sốt ruột sao được khi mà từ lúc điểm sàn chưa được ấn định, một loạt trường ĐH đã rục rịch đăng thông báo xét tuyển bổ sung. Đến lúc chính thức có điểm sàn, nhiều trường liền thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 10-8. Nhiều trường còn thông báo ưu tiên thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sớm.
Đơn cử Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM từ ngày 16-7 đã thông báo thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bậc ĐH dự kiến từ ngày 10 đến 22-8 (công bố kết quả trúng tuyển ngày 25-8). Nhà trường cho biết sẽ nhận xét tuyển thêm nguyện vọng cho các ngành thiếu chỉ tiêu sau ngày 25-8. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bậc CĐ của trường chia thành ba đợt, trong đó đợt 1 kết thúc ngày 18-8 và công bố kết quả ngày 20-8.
Oái oăm thay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 20-8 các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển và gửi giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm, giấy báo trúng tuyển cho các sở GD-ĐT để gửi thí sinh. Và thông thường, giấy chứng nhận kết quả thi được các trường gửi qua đường bưu điện đến các sở GD-ĐT để chuyển về trường THPT sau một tuần mới đến tay thí sinh. Đó là chưa kể việc nhiều trường không tổ chức thi phải đợi dữ liệu thí sinh từ các trường tổ chức thi mới xác định điểm chuẩn và tiến hành gửi giấy báo. Vì vậy, nhiều khả năng phải đến cuối tháng 8 thí sinh ở các vùng sâu vùng xa mới nhận đủ các loại giấy báo. Như vậy, thí sinh lấy đâu ra giấy báo điểm để tham gia cuộc đua xét tuyển vào những trường có thời hạn đăng ký quá gấp gáp?
Rõ ràng việc năm nay Bộ GD-ĐT không quy định các mốc thời gian xét tuyển mà để các trường được tự chủ về thời gian xét tuyển đã giúp nhiều trường chủ động hơn về thời gian, phương thức xét tuyển của mình. Họ có quyền đưa ra mốc thời gian cho riêng mình và điều đó không vi phạm quy chế. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã đẩy không ít thí sinh vào chỗ hoang mang, nôn nóng. Và đặc biệt, những thí sinh vùng sâu vùng xa là những người bị thiệt thòi nhiều nhất, bởi họ rất dễ bị mất luôn cơ hội tham gia xét tuyển vào trường mình mong muốn.
 
Theo TTO

 

Bình luận (0)