Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thoát khỏi sách giáo khoa!

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu tháng 5, truyền thông đưa tin bộ sách giáo khoa (SGK) của mô hình VNEN sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện để trở thành một bộ sách đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng chính thức từ năm học 2018-2019. Truyền thông cũng cho biết ngoài bộ sách trên, còn ba bộ sách khác đang được các nhóm tác giả lên kế hoạch biên soạn. Cụ thể, một bộ sách của nhóm tác giả phía Nam, một bộ của nhóm tác giả ở Hà Nội và một bộ của nhóm thực hiện chương trình công nghệ giáo dục.

Ngay lập tức thông tin trên nhận được rất nhiều sự quan tâm và cả sự… hoang mang của giáo viên và phụ huynh. Phải chăng sắp tới tất cả giáo viên và học sinh sẽ dạy và học theo chương trình VNEN? Phải chăng ở phía Nam dạy theo một bộ sách khác, ở phía Bắc dạy theo một bộ sách khác? 

SGK là người bạn bất ly thân của giáo viên. Bởi vậy khi nghe ngóng được thông tin trên họ băn khoăn cũng là điều dễ hiểu. Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã lên tiếng về vấn đề này. Ông Hiển cho biết, tất cả những bộ SGK nói trên đều phải chờ chương trình mới ra đời để dựa trên đó mà biên soạn, chỉnh sửa cho phù hợp. Cũng theo Thứ trưởng, không thể nói trước là có bao nhiêu bộ sách được lưu hành vì sau này còn phải qua quy trình phê duyệt, thẩm định.

Cần nhắc lại hồi tháng 3-2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, trong đó nhấn mạnh: “Thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK. Chương trình mới được xây dựng, thẩm định và ban hành trước làm cơ sở cho việc biên soạn SGK… Khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Nhà trường, giáo viên chủ động lựa chọn SGK”. 

Cũng qua sự kiện này cho thấy, một vấn đề thời sự cần được đặt ra: Ngày nay, giáo viên nên sử dụng SGK như thế nào? Trước đây, trong một thời gian dài trong nhà trường phổ thông chỉ có một bộ SGK, giáo viên không có lựa chọn nào khác và hình thành nơi họ thói quen giảng dạy phụ thuộc gần như hoàn toàn vào SGK. Còn nay với chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK, sẽ có không ít giáo viên tỏ ra bối rối vì không biết chọn bộ sách nào để dạy. Rõ ràng cần có thay đổi suy nghĩ về SGK.

Còn nhớ trong một hội thảo bàn việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2015, đại diện một nhà xuất bản của nước Anh nói: “SGK chỉ là công cụ hỗ trợ việc dạy học của giáo viên, chứ không phải là tất cả. Giáo viên nếu phụ thuộc quá nhiều vào SGK thì sẽ không có sự sáng tạo, mà sáng tạo là chìa khóa thành công của giảng dạy”. Vị đại diện nhà xuất bản nước ngoài này còn nhấn mạnh: “Việc có nhiều bộ SGK không chỉ làm phong phú thêm tài liệu giảng dạy cho thầy, tài liệu học tập cho trò mà quan trọng hơn là việc thừa nhận tính sáng tạo, tính đa dạng trong quá trình dạy và học của thầy và trò”.

Ngày nay, sứ mệnh của người thầy không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức một chiều mà còn phải hướng dẫn cho học sinh cách học, hình thành nhu cầu tự học, từ đó có niềm đam mê tìm tòi, bổ sung những kiến thức mới cho bài học, thậm chí hình thành năng lực sáng tạo ra những tri thức mới, giá trị mới. Phương pháp giảng dạy mới đó đòi hỏi người thầy không ngừng phải vươn lên học hỏi để tự hoàn thiện mình. Vì vậy, trên nền chương trình giáo dục chung, giáo viên cần phải tham khảo nhiều nguồn tài nguyên kiến thức khác nhau để hoàn thiện bài giảng của mình, SGK chỉ là một trong các nguồn tài liệu đó.

Từ Nguyên Thạch

Bình luận (0)