BS. Hà đang thăm khám bệnh nhân Vấn sau 2 ngày mổ
|
Ở độ tuổi càng cao, tỷ lệ mắc bệnh thoát vị bẹn ở nam giới càng lớn. Căn bệnh này ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng của bệnh nhân.
Thoát vị bẹn là một bệnh lý của nam giới nhưng người bệnh hay bị nhầm lẫn sang một số căn bệnh khác do triệu chứng đau giống nhau.
Bệnh của nam giới
Là công nhân vận chuyển hàng cho một công ty cung cấp bột mỳ ở cảng Cái Mép (Tân Thành, Đồng Nai), anh Nguyễn Quang Thành thường có biểu hiện đau nhức ở thắt lưng và sau đó lan xuống bẹn. Anh Thành cho biết, triệu chứng đau lúc đầu rất khác lạ, nếu nằm xuống thì không sao nhưng cứ đứng lên và nhất là khi lao động nặng thì cơn đau kéo dài nhiều khi rất khó chịu, không bước chân đi được. Đến khi cơn đau vượt qua sức chịu đựng của cơ thể, anh mới đi khám và kết quả bất ngờ là bị thoát vị bẹn.
Đó cũng là nỗi đau thường ngày của ông Lê Quang Vấn – nhà ở phường 17, Q.Gò Vấp, TP.HCM khi phát hiện ra một khối phồng to ở bẹn trái cách đây nửa năm. Ông Vấn cho biết: “Hễ tôi ngồi một chỗ thì không sao nhưng cứ đi lại là cơn đau xuất hiện đến mức chỉ đi được vài bước đành phải ngồi sụp xuống ôm lấy bụng”. Cũng theo ông Vấn, khi ngồi xuống nếu lấy tay đẩy khối phồng lên thì lúc đó mới đứng dậy đi tiếp được. Cách đây nửa tháng, ông Vấn phải vào cấp cứu ở Bệnh viện Gò Vấp vì cơ thể suy yếu, ho mạnh cùng đau và hầu như chỉ nằm một chỗ. Ca mổ cấp cứu được tiến hành trong 2 tiếng đồng hồ đã cứu sống bệnh nhân 92 tuổi. BS. Vũ Hoàng Hà – Phó giám đốc Bệnh viện Gò Vấp trao đổi: “Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng nằm trong ổ phúc mạc đi ra ngoài trong một túi thừa phúc mạc, còn được gọi là túi thoát vị mà nguyên nhân chủ yếu là do thành bụng có nhiều nhược điểm”. Theo BS. Hà, thoát vị có nhiều loại như thoát vị bẹn, thoát vị đùi, thoát vị rốn trong đó thoát vị bẹn dễ gặp hơn đối với đàn ông. Theo tiêu chí tiến triển, người ta chia ra làm các loại như thoát vị chõm, thoát vị kẽ, thoát vị bẹn – mu, thoát vị bẹn – bìu. Theo nguyên nhân thì có thoát vị bẩm sinh, thoát vị mắc phải còn theo vị trí phẫu thuật thì có thoát vị trực tiếp, thoát vị chéo trong và thoát vị chéo ngoài. Để phát hiện chính xác các loại thoát vị bẹn, BS phải thực hiện nhiều cách nhằm chẩn đoán chính xác như nhìn trực tiếp bằng mắt, sờ bằng tay, soi đèn, siêu âm, nội soi ổ bụng.
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Điều trị thoát vị bẹn chủ yếu bằng ngoại khoa nhưng cũng phải tùy theo lứa tuổi và tình trạng của bệnh nhân. Ngoài đeo băng cho trẻ nhỏ thì phương pháp phẫu thuật được sử dụng nhiều hơn cho mọi lứa tuổi. Những trường hợp nặng như bệnh nhân Thạch hay bệnh nhân Vấn thì phải mổ cấp cứu để chống nghẹt và tắc ruột nhằm không để xảy ra tình trạng hoại tử do thiếu máu. Theo các BS ngoại khoa, việc phẫu thuật vừa nhằm mục đích khâu cổ túi và cắt bỏ túi vùng bẹn trên cơ sở đó tái tạo thành bụng mới. Việc tái tạo thành bụng nhằm ngăn chặn hiện tượng sa ruột xuống ổ bẹn rất cần thiết sau khi cắt bỏ túi vùng bẹn. Không giống như trước đây, hiện nay các bệnh viện trong nước đã sử dụng mảnh ghép nhân tạo để tái lập thành bụng mới mà y học thế giới đã ứng dụng từ lâu. Tuy nhiên – theo BS. Hà – đây là một kỹ thuật tiên tiến vừa được ứng dụng tại Việt Nam không lâu. Riêng tại Bệnh viện Gò Vấp đã có 5 ca thoát vị bẹn được phẫu thuật thành công nhờ đặt mảnh ghép nhân tạo (còn được gọi là phương pháp Lichtenstein). Để loại bỏ sự căng ở đường khâu thoát vị thay vì dùng mô tự thân trong cơ thể như trước đây, các BS đã đặt tấm lưới y khoa vào thành bụng bằng việc sử dụng mảnh ghép nhân tạo vá chỗ yếu nhất của thành bẹn. Khi khâu, nếu không có tấm lưới ghép thì phải kéo hết sức 2 mô từ xa sát lại gần nhau dễ làm cho bệnh nhân bị đau do đường khâu căng quá mức. Không chỉ có ưu thế về tính đơn giản tiện lợi, phương pháp này còn giữ sức khỏe tốt cho bệnh nhân không bị đau khi mổ, thời gian nằm viện ngắn tránh được rủi ro tim mạch và nhanh chóng phục hồi lao động hơn. Không chỉ hiệu quả cao mà tỷ lệ tái phát cũng thấp hơn và độ an toàn cho sức khỏe được khẳng định rõ rệt. Chính vì thế sau 2 ngày phẫu thuật, ông Vấn và anh Thành đã tự đi lại được rồi xuất viện sau 5 ngày.
Bài, ảnh: Quang Phan
Cần được phát hiện sớm
Bệnh thoát vị bẹn luôn cần được phát hiện sớm do người cao tuổi có thành bụng yếu rất dễ bị sa ruột. Bên cạnh đó, người già còn mắc bệnh thiếu máu cơ tim, suy yếu các bộ phận khác trong cơ thể nên phải hội chẩn kỹ lưỡng, chỉ gây tê tại chỗ chứ không nên gây mê toàn thân. Nói chung các ca mổ cho người già bao giờ cũng phức tạp hơn. Phát hiện muộn và điều trị chậm trễ không chỉ dễ xảy ra biến chứng mà còn nguy hại đến tính mạng người già.
|
Bình luận (0)