Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: khi nào nên mổ?

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin trên các phương tiện truyền thông về những trường hợp gặp rủi ro liệt người do mổ điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đã khiến nhiều bệnh nhân hoang mang. Đây là bệnh rất thường gặp và đáng quan tâm bởi không chỉ ảnh hưởng lên cá nhân người bệnh mà còn đến kinh tế gia đình và xã hội. Tuy nhiên, do bệnh nhân thiếu thông tin, do một số bác sĩ nhận diện không đúng bệnh lý, lạm dụng thái quá các kỹ thuật chẩn đoán… mà đã có nhiều trường hợp tiền mất tật mang.

 
Không cứ “thoát” là mổ
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng mức độ nhẹ hầu hết được điều trị bằng phương pháp bảo tồn (dùng thuốc, nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu…) Chỉ với những trường hợp bệnh nặng, điều trị bảo tồn thất bại mới cần xem xét khả năng điều trị bằng phẫu thuật. Phẫu thuật là phương pháp mà mọi bệnh nhân đều muốn tránh vì lo sợ biến chứng. Cũng chẳng ai muốn động dao động kéo và chịu một vết sẹo trên vùng cột sống, thắt lưng. Nhưng nếu so sánh các nguy cơ với lợi ích, một ca vi phẫu hay nội soi kéo dài không hơn 60 phút vẫn là lựa chọn tốt nhất trong điều trị thoát vị đĩa đệm nặng. Trong các trường hợp khối u chèn ép rễ thần kinh và tuỷ sống thì phẫu thuật loại bỏ chúng là phương pháp duy nhất cần thiết và hiệu quả (nhưng cũng tuỳ thuộc khối u lành tính hay ác tính).
Không phải bất cứ thoát vị đĩa đệm nào tại vùng thắt lưng đều bắt buộc điều trị mổ. Nếu bác sĩ chỉ định đúng, thường mang lại kết quả cao và thoả mãn được mong đợi của người bệnh. Ngược lại, sẽ dẫn đến hiệu quả điều trị thấp, nhiều biến chứng, liệt người, thậm chí tử vong. Hiện có hai phương pháp được coi là chính thống trong điều trị thoát vị đĩa đệm được thực hiện hàng ngày tại nhiều bệnh viện lớn, là mổ vi phẫu và mổ nội soi. Hai phương pháp này là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
Thực tế không phải bệnh nhân nào cũng có thể được bác sĩ chỉ định mổ. Khi gặp bệnh nhân quá yếu, tuổi cao, có bệnh toàn thân như tim mạch, tiểu đường nặng, hoặc thoái hoá cột sống quá nặng thì không thể điều trị bằng phẫu thuật được vì rất dễ gặp biến chứng khi gây mê và trong quá trình mổ.
Nhưng có lúc chỉ mổ mới thoát
Điều này còn tuỳ thuộc chỉ định của bác sĩ là đúng hay không. Hiện nay, loại thoát vị đĩa đệm mà việc chỉ định mổ đem lại kết quả cao nhất là thoát vị lồi rất lớn chèn ép trực tiếp rễ thần kinh, hoặc vỡ vào lỗ thần kinh, đôi khi khối thoát vị chui vào trong ống sống chèn ép chùm đuôi ngựa ảnh hưởng nhiều đến cảm giác và vận động. Đối với những trường hợp này, khả năng hồi phục chức năng của thần kinh và cột sống đến 80 – 90%. Những thoát vị nhẹ hoặc chưa chèn ép rễ thần kinh hoặc chèn ép không nhiều, nếu đặt chỉ định phẫu thuật giai đoạn này thì hiệu quả hầu như không đáng kể. Chỉ định mổ bao giờ cũng phải dựa vào hai tiêu chuẩn chính là triệu chứng lâm sàng và kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống ngực và thắt lưng.
Đôi lúc, chính người thầy thuốc cũng rất phân vân giữa chỉ định mổ hay điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu. Như khối thoát vị còn nhỏ, chưa gây đau đớn nhiều nên chưa đáng để phẫu thuật, hoặc khối thoát vị lớn trên MRI nhưng không ảnh hưởng nhiều trên lâm sàng, thì có nên mổ hay không? Những trường hợp này cần đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để chọn lựa biện pháp tối ưu. Thật ra, điều trị nội khoa không thể làm khối thoát vị biến mất hay đưa đĩa đệm trở lại vị trí cũ. Cái ranh giới mong manh này nhiều khi làm bệnh nhân có tâm lý đang phải chờ khối thoát vị lồi nhiều hơn để mổ một lần cho có kết quả tốt, nên tư vấn của bác sĩ chuyên khoa là vô cùng cần thiết.
PGS.TS.BS Võ Văn Nho
SGTT.VN
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thường do lao động nặng, hoặc nhấc một vật nặng sai tư thế. Thậm chí, cũng hay xảy ra ở những người làm việc văn phòng do ngồi lâu, đĩa đệm chịu áp lực cột sống gây thoát vị mặc dù tuổi đời chưa cao.

 

Bình luận (0)