Tân Bộ trưởng Thông tin Truyền thông cho rằng làm 4.0 thì phải chấp nhận các mô hình kinh doanh mới và xây dựng được công nghiệp IoT.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chiều ngày 24/10. Ảnh: Viễn Thông
Phát biểu tại sự kiện "Smart IoT Việt Nam 2018" do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo tổ chức hôm 24/10, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói 4.0 là cách mạng về chính sách nhiều hơn công nghệ. Đầu tiên phải chấp nhận các mô hình kinh doanh mới.
Theo ông, chấp nhận cái mới thì công nghệ sẽ về, người sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện. Việt Nam nhờ thế sẽ tạo ra các sản phẩm xuất khẩu mới. Nhưng với điều kiện phải chấp nhận sớm hơn người khác.
"Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, đó là cơ hội của chúng ta", Bộ trưởng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, về thể chế, Việt Nam cần sớm hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
"Hiện nay đã có trên 40 nước xây dựng các chiến lược, chương trình hành động về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với Việt Nam, việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp này vừa là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa là thách thức", ông Bình nhận xét.
Khẳng định Internet Vạn Vật (IoT) là một công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Bộ trưởng nói cần phát triển toàn diện ngành công nghiệp này để thay đổi thứ hạng nền ICT đất nước.
"Việt Nam đã bỏ lỡ mất thời kỳ sản xuất thiết bị điện tử dân dụng, thiết bị đầu cuối như điện thoại di động thì phải nắm bắt cơ hội sản xuất IoT. Đi thẳng vào sản xuất thiết bị IoT. Mà phải bắt đầu từ làm chủ thiết kế, tích hợp thành sản phẩm thương mại hoàn chỉnh, làm chủ công nghệ cốt lõi", ông nhận định.
Theo ông Hùng, Internet Vạn Vật (IoT) là một ngành công nghiệp, mà đầu tiên là công nghiệp sản xuất cảm biến (sensor). Điện thoại di động vốn ngành công nghiệp khổng lồ vì mỗi người sở hữu một chiếc, số lượng là 6-7 tỷ chiếc. Nhưng IoT còn lớn hơn rất nhiều, sẽ là hàng nghìn tỷ thiết bị.
Bộ trưởng phân tích, IoT bao gồm công nghệ nền tảng, platform và ứng dụng. Công nghệ nền tảng thì cần khoảng 5% doanh nghiệp làm, có thể là các công ty lớn như Viettel, Vingroup, VNPT, FPT, CMC…
Theo Bộ trưởng, Việt Nam chưa được tự động hoá và ảo hoá nhiều. Các nước phát triển có mức độ ảo hoá cao hơn nhưng lại sử dụng công nghệ cũ, chưa phải IoT, không dễ để bỏ đi hạ tầng đã đầu tư rất lớn.
"IoT rẻ hơn, dễ triển khai hơn. Vì thế, chúng ta có thể và nên đi thẳng vào IoT để ảo hoá thế giới vật lý. Bằng cách này, chúng ta sẽ đi trước, cũng giống như các nước châu Á, vì đi sau về ngân hàng nên lại thành công nhất về sử dụng Mobile Banking", ông nói.
Theo Gartner, IoT là công nghệ đột phá và có nhiều cơ hội nhất trong 5 năm tới. Trong khi đó, công ty nghiên cứu Rand Europe (Anh) dự báo đến năm 2020, IoT sẽ mang lại doanh thu 1.400 – 14.400 tỷ USD cho các ngành trên thế giới.
Dự báo, IoT trong quy mô thị trường sản xuất dự kiến tăng từ 12,67 tỷ USD năm 2017 lên 45,30 tỷ USD vào năm 2022 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 29%, giai đoạn 2017-2022.
Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, chiến lược là đến 2020, cơ bản mỗi hộ gia đình Việt Nam một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một smartphone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT trước.
Cơ quan này nhận định, thuận lợi lớn nhất của Việt Nam là hạ tầng viễn thông tốt. Một số doanh nghiệp viễn thông mạnh, có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Số điện thoại, địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT cũng đã được quy hoạch đủ.
Về nhân lực để triển khai, quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là đầu tư trước, tạo ra việc thì sẽ có người. "Cách tạo nguồn nhân lực tốt nhất là tạo ra công việc thách thức. Việc sẽ tạo ra người. Việc vĩ đại sẽ có người vĩ đại, sẽ tạo ra người vĩ đại", ông nói.
Theo VnExpress
Bình luận (0)