Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thói bàng quan ngày càng “trẻ hóa”

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối năm 2018, ông chú họ tôi bị ba tên cướp kè ngay giữa ban ngày, trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM. Ngay sau khi chú rút tiền từ cây ATM ra, chúng đã theo sau. Đến ngay ngã 6 Nguyễn Tri Phương, chúng dàn cảnh té ngã hòng dựng lên kịch bản gây sự, thừa cơ lấy xe và tiền của chú. Ngồi bên đây quán cà phê (của gia đình chú tôi kinh doanh), thấy ông chú giơ tay ra hiệu, tôi đoán việc chẳng lành nên chạy băng qua đường. Bọn chúng hung hăng nhào vô sáp lá cà đôi co qua lại. Khi người trong nhà tôi ùa ra, tên cầm đầu bỏ chạy. Hai tên còn lại giả ngây rằng chỉ là nạn nhân bị va quẹt xe chứ không biết gì. Chúng tôi xí xóa bỏ qua vì thực ra không bằng chứng để buộc tội chúng. Đáng buồn là người dân hai bên đường chạy ra chỉ để nhìn, hiếu kỳ bàn tán mà chẳng ai nhảy vào giúp đỡ, mặc dù họ là hàng xóm gia đình nhà chú. May mắn là chú bị cướp ngay trước hẻm nhà, nếu không sự việc chắc là tồi tệ.

Đầu năm 2019, một lần đi xe buýt trên đường Hậu Giang, Q.6, TP.HCM, đến đoạn ngay gần siêu thị Co.opmart (đèn đỏ dừng lại), một bà cụ trạc 70 tuổi băng qua đường khó khăn nhưng chẳng ai dẫn qua hộ. Trong khi nhiều người trẻ băng qua vạch dành cho người đi bộ một cách vô tình, hững hờ. Dòng xe lướt nhanh trên phố mà tôi cảm thấy lo sợ bà sẽ bị gì đó. Rất may là cuối cùng bà cũng qua bên kia đường. Bác tài xế xe buýt lắc đầu nói: “Bọn trẻ bây giờ chẳng biết giúp đỡ người già là gì” khiến tôi và những bạn trên xe cảm thấy nhột lây.

Hay sự việc đau lòng vào lúc 3 giờ sáng 25-6-2019, một đôi nam nữ chạy xe máy trên đường Tân Hương, hướng Bình Long đi Độc Lập (quận Tân Phú, TP.HCM) thì va chạm với taxi chạy cùng chiều đang rẽ trái. Sau cú tông mạnh, cô gái văng lên vỉa hè tử vong, còn nam thanh niên bị thương nặng. Điều đáng bức xúc là khi xem camera ghi lại, người ta thấy tài xế taxi sau khi gây tai nạn chỉ xuống xem xét nạn nhân một chút rồi bỏ đi. Tiếp đó, trong số 17 người đi xe máy và một ô tô di chuyển ngang qua khu vực tai nạn, chỉ có một người đi xe máy dừng lại giúp đỡ đôi trai gái.

Không riêng gì những câu chuyện xã hội mà ngay cả chính bản thân tôi cũng rơi vào hoàn cảnh hoạn nạn. Cách đây chưa lâu, tôi và người em trai bị giao thông kinh hoàng tại quê ngay ngày đầu năm mới. Tôi gãy chân, lê lết ôm người em trong vũng máu, nước mắt đầm đìa nhưng những người xung quanh chỉ biết xúm lại xem, không ai đưa đi bệnh viện cấp cứu giúp, cũng chẳng gọi giùm một cuộc cho 113, 115. May thay có một chú trung niên chạy ngang, thấy tình huống ấy đã bỏ vợ lại, cởi trần, chở hai anh em tôi đến bệnh viện huyện. Vị ân nhân ấy đến giờ tôi cũng không biết là ai vì ngay sau khi đưa vào phòng cấp cứu, chú ấy đã rời đi ngay.

Từ những vụ việc trên cho thấy xã hội ngày càng bàng quan, vô cảm trước những nỗi đau, mất mát, khó khăn của người khác. Những hình ảnh xấu xí như thế này sẽ là đại dịch lây lan nếu như mỗi cá nhân không tự vấn lương tâm để nhận ra điều đó. Sẽ rất nguy hại cho xã hội, cho đất nước nếu chúng ta chỉ biết nghĩ riêng cho mình. Rõ ràng ai cũng sợ mình sẽ bị liên lụy, rằng: công an sẽ mời tới mời lui, sợ bị trả thù, bị tổn thương mình, mất thời gian…

Thói bàng quan ngày càng “trẻ hóa”, len lỏi vào chính học đường. Môi trường giáo dục đã trở nên bất lực trước những hành động vô cảm, bàng quan, chủ nghĩa cá nhân với nhiều học sinh hiện nay. Trong khi môn giáo dục công dân dường như không còn hợp thời nữa. Những bài học làm người, biết yêu thương san sẻ, biết sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội… hầu như không lay động được học sinh. Sẽ ra sao khi trong tương lai gần, tất cả học sinh đều chỉ sống vì bản thân mà không biết quan tâm đến cộng đồng? Học sinh là rường cột nước nhà trong tương lai, nếu không có sự đoàn kết, không sống vì mọi người, không biết hy sinh sẽ rất nguy hại cho Tổ quốc, quê hương.

Thói bàng quan của những người lớn tuổi hiện nay cũng là do trong quá khứ, thời còn là học sinh, họ không được cha mẹ và nhà trường giáo dục lòng yêu thương, tình thân ái đúng đắn. Vì vậy, trách nhiệm giáo dục của nhà trường và cha mẹ là hết sức lớn lao. Hãy trui rèn, uốn nắn các thế hệ trẻ hôm nay thành những người hữu ích cho xã hội mai sau bằng những kỹ năng sống thực hành chứ không chỉ dạy suông trên sách vở. Cần cho trẻ tham gia nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện hay những lớp học về cộng đồng để triệt tiêu thói bàng quan, vô cảm.

Nguyn Thành Vũ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)