Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thời của độc quyền tên tuổi?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau Phương Nam mua độc quyền tác phẩm Phạm Duy, đến lượt Bến Thành Audio cũng sở hữu độc quyền quyền khai thác các ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương.

Không giống như việc mua độc quyền một ca khúc nào đó trong một thời gian nhất định, thường là 1 – 2 năm, việc mua độc quyền tên tuổi, được tính những tác phẩm từ quá khứ đến tương lai. Chính vì thế, trường hợp này chỉ xảy ra với những tên tuổi lớn, tác phẩm đã được “kiểm chứng” trong công chúng với độ phủ rộng và tần suất dày.

Cũ người mới ta

Ngay sau khi ký hợp đồng khai thác độc quyền, Bến Thành Audio đã thông báo đến các phòng trà, đơn vị sản xuất băng đĩa nhằm đảm bảo quyền lợi của mình, nhất là trong vấn đề trả tiền tác quyền. Cũng giống như trường hợp của Phạm Duy và công ty Phương Nam, hiện tại, ca sĩ, đơn vị biểu diễn, nhà sản xuất băng đĩa nào muốn sử dụng nhạc phẩm của Lam Phương đều phải được sự đồng ý của Bến Thành Audio.

Theo ông Huỳnh Tiết, giám đốc Bến Thành Audio, việc mua độc quyền tác phẩm của Lam Phương xuất phát từ sự yêu mến đối với các tác phẩm này, cũng như với nhạc sĩ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận nhu cầu của khán giả đối với nhạc Lam Phương khá cao, và đó là yếu tố góp phần để hợp đồng được ký kết. Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng nhận được không ít lời đề nghị tương tự đối với các tác phẩm của cố nhạc sĩ, tuy nhiên, hiện tại gia đình vẫn là người sở hữu kho tàng nhạc phẩm của ông. “Gia đình tin rằng ông không muốn đem âm nhạc của mình đi mua bán”, ông Nguyễn Trung Trực, em rể cố nhạc sĩ, cho biết.

Nhạc sĩ Phạm Duy, người đầu tiên giao tất cả tác phẩm của mình cho một công ty quản lý. Ảnh: Nguyễn Hữu

Thực tế, vấn đề mua độc quyền toàn bộ tác phẩm của các tác giả nổi tiếng, dù không mới mẻ đối với các nước trên thế giới nhưng tại Việt Nam, xu hướng này chỉ mới bắt đầu. “Tôi nghĩ tác giả cũng sẽ thích điều này hơn, vì họ không phải mất thời gian làm việc với từng người, cũng không lo bị ai đó vi phạm tác quyền”, ông Huỳnh Tiết cho biết.

Khi tay không che hết mặt trời

Tuy nhiên, điều này cũng đã để lại mặt trái là khi có sự can thiệp của một đơn vị khác mang nặng yếu tố kinh doanh, tần suất sử dụng sẽ không còn được như trước. “Ca khúc lúc này giống như một sản phẩm, thuận mua vừa bán. Đơn vị sở hữu có quyền đẩy giá tác quyền lên cao đến mức mà họ muốn”, ông Đinh Trung Cẩn – giám đốc phía Nam Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc (VCPMC), nhận định. Dĩ nhiên điều này cũng có thể xảy ra khi thương thuyết với chính tác giả, tuy nhiên, với tác giả, việc tác phẩm được phổ biến rộng rãi mới là điều quan trọng nhất chứ không phải là yếu tố kinh doanh.

Một điều rất hiển nhiên là, đối tượng nhận tác quyền của các tác phẩm đã được chuyển giao này sẽ thuộc về người sở hữu, trong trường hợp nhạc Phạm Duy và Lam Phương là Phương Nam và Bến Thành. Tuy nhiên, làm thế nào để kiểm soát vấn đề tác quyền này không hề dễ. Công ty Phương Nam, sau một thời gian tự quản lý và kiểm soát vấn đề thực thi tác quyền, đã phải ủy thác cho VCPMC thu tác quyền trên một số lĩnh vực. Hiện tại, gần như Phương Nam chỉ kiểm soát tác quyền đối với một số chương trình lớn.

Tương tự, Bến Thành Audio cũng chỉ thu tác quyền đối với trường hợp biểu diễn trên sân khấu. Sau nhiều năm tự quản lý tác quyền, cách đây vài tháng, gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã phải nhờ đến VCPMC với những thỏa thuận riêng biệt. Theo đó, tuy ủy thác toàn bộ tác phẩm của Trịnh Công Sơn cho VCPMC nhưng gia đình vẫn có quyền can thiệp vào một số trường hợp, ví dụ như miễn phí cho các chương trình từ thiện, hoặc thu phí cực thấp đối với những ca sĩ trẻ yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn…

Võ Hà (Theo ĐVO)

Bình luận (0)