"Thời trang tái chế" là từ khóa được tìm kiếm trong xu hướng thịnh hành hiện nay trong làng thời trang thế giới, trong đó có Việt Nam.
Việc tận dụng những nguyên vật liệu còn dư từ các dự án cũ sẽ giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về tài chính như hiện tại, tiết kiệm là tôn chỉ trong mọi ngành nghề, thời trang cũng không ngoại lệ. Bên cạnh đó, xu hướng bảo vệ môi trường được xem như một nhận thức của thời đại, văn minh và cấp tiến. Sự cộng hưởng của tất cả yếu tố đó tạo nên đòn bẩy phát triển vượt trội của ngành thời trang tái chế.
Tại Elle Fashion Show 2023 mới diễn ra, nhà thiết kế Ngô Hoàng Kha đã giới thiệu bộ sưu tập được tạo nên từ vải thừa. Nhà thiết kế Trần Hùng cũng mang đến Tuần lễ Thời trang London những thiết kế được làm từ vải vụn. Bộ trang phục anh thực hiện cho người đẹp Hương Ly dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 từng khiến công chúng ngỡ ngàng, không tin được may từ những mảnh vải vụn.
Nhà thiết kế gốc Việt (sống ở Hà Lan) Xuân Thu Nguyễn cũng làm trang phục từ các mảnh vải vụn, đồ tái chế trong bộ sưu tập In Alignment giới thiệu ở Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam 2023. Tom Trandt – người sáng lập Môi Điên, một thương hiệu thời trang – cũng là một trong những cái tên đồng hành với phương thức sản xuất này nhiều năm qua…
Những mẫu thời trang tái chế. Ảnh do nhân vật cung cấp
Hiện nay, với những ảnh hưởng tiêu cực của rác thải tác động lên môi trường thì tái chế trở thành một xu hướng toàn cầu được ứng dụng trong mọi lĩnh vực, trong đó có thời trang. Vì vậy, thời trang tái chế dần trở thành một phần trong đời sống, được các thương hiệu tên tuổi ứng dụng như Levi's, New Globe Traveller, Beyond Retro, Freitag…
Xu hướng thời trang tái chế thực sự bùng nổ khi có rất nhiều những bài hướng dẫn người tiêu dùng tự tái chế nguyên liệu có sẵn của mình để làm nên những bộ trang phục mới. Với người tiêu dùng không biết về thời trang, việc tận dụng những mẫu quần áo có sẵn trong tủ và biến nó thành những mẫu mới theo cách đơn giản nhất (được hướng dẫn rất nhiều trên mạng). Với những người yêu thích thời trang, việc sử dụng một mẫu thiết kế được làm từ nguyên liệu tái chế không chỉ là "sành điệu" mà còn là góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Với các nhà thiết kế, tập trung cho thời trang tái chế chính là xu hướng, là thức thời.
Việc tận dụng, tái chế là lựa chọn thông minh và bền vững để giúp giảm thiểu lượng rác thải và tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thời trang đến môi trường. Việc làm này thực ra không hề mới tại nhiều nơi trên thế giới. Việc tái sử dụng những phế liệu vừa là hành động thiết thực giúp giảm thiểu số lượng rác thải vừa gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường tự nhiên.
Theo Thùy Trang/NLĐO
Bình luận (0)