Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thời đi học của những người nổi tiếng

Tạp Chí Giáo Dục

NSND Trà Giang: “Tôi học giỏi văn và vẽ đẹp…”

NSND Trà Giang thời đóng phim Chị Tư Hậu

Tôi gặp NSND Trà Giang tại nhà riêng của chị, lúc nghe chúng tôi nói muốn biết thời đi học của chị như thế nào, chị cười thật tươi và nói: “Thời đi học của tôi cơ cực và đáng nhớ lắm. Khi nào có điều kiện, tôi sẽ viết một quyển hồi ký về chuyện này”.
Thưa NSND Trà Giang, chị có thể cho biết rõ hơn về chuyện học đầy cơ cực của chị?
Tôi sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi. Tuổi thơ của tôi rất cơ cực, gian khổ vì nhà quá nghèo. Như bao đứa trẻ khác, tôi rất ham được cắp sách đến trường nhưng do ba tôi làm cách mạng nên hễ ông hoạt động ở vùng nào là tôi và mẹ phải theo ba đến vùng đó, lúc thì ở Bà Rịa – Vũng Tàu, lúc ở Bình Thuận, Bình Định… Chính vì vậy mà việc học của tôi không được liên tục, cứ bị gián đoạn. Tôi thường được các cô chú cùng hoạt động chung với ba dạy học. Chỉ là dạy cho biết cách hành văn, giải toán chứ không được học trường lớp chính quy.
Thế rồi sau đó như thế nào, thưa chị?
Năm 1955, ba tôi tập kết ra Bắc, cũng chính nhờ vậy mà tôi được vào học Trường học sinh miền Nam (trường dành cho con em của các gia đình ở miền Nam tập kết ra Bắc). Do việc học trước đây bị dở dang nên thời gian đầu, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vì ham học, đồng thời được sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô nên tôi tiến bộ rất nhanh, năm nào cũng lãnh phần thưởng học sinh giỏi.
Thời đi học, chị học giỏi nhất là môn nào?
Tôi là một cô gái rất mơ mộng, yêu văn chương nên học giỏi môn văn, thỉnh thoảng tôi cũng có thơ được đăng báo nên được bạn bè hâm mộ. Ngoài ra tôi còn có năng khiếu vẽ. Trong các giờ thủ công, tôi thường được cô giáo khen khéo tay và vẽ đẹp.
Trở thành sinh viên trường điện ảnh, với chị có phải là một duyên nợ?
Quả đúng là như thế, ngay từ lúc đầu, tôi cứ nghĩ mình sẽ làm một diễn viên múa bởi năm 1959, tôi thi đậu vào Trường Múa Hà Nội. Cùng lúc đó, Trường Điện ảnh Việt Nam của Bộ Văn hóa Thông tin mở lớp đào tạo đạo diễn và diễn viên điện ảnh. Ba khuyên tôi nên thi vào trường này học. Chiều theo ý ba, tôi thi thử không ngờ may mắn đậu, chính thức trở thành sinh viên khóa I của trường cùng lớp với các anh chị như: Kim Chi, Minh Đức, Thụy Vân… Được vào học ở đây, tôi thích lắm vì từ bé rất mê xem phim nhưng không hề dám nghĩ đến chuyện một ngày nào đó mình cũng sẽ được đóng phim… Thời ấy, các chuyên gia nước ngoài thường sang hỗ trợ đào tạo cho ngành điện ảnh trẻ Việt Nam nên chúng tôi được rèn luyện bài bản lắm. Ai cũng háo hức chờ đợi vai diễn, mong muốn được thử vai… Một kỷ niệm thời đi học lúc đó mà tôi nhớ mãi là lần bộ phim Vợ chồng A Phủ khởi quay, chị Đức Hoàn được chọn đóng vai cô Mỵ, chị Mai Châu vào vai bà vợ cả Thống lý Pá Tra, anh Trần Phương vào vai A Phủ, còn chúng tôi cũng được chọn đóng vai các cô gái dân tộc vùng cao Tây Bắc (diễn viên quần chúng), lần đầu được lên hình nên hạnh phúc lắm. Kết thúc khóa học, tôi tốt nghiệp loại giỏi với tiểu phẩm Một ngày đầu thu. Năm 1961, tiểu phẩm này được nâng lên thành kịch bản điện ảnh và cũng thật vô cùng may mắn khi tôi vượt qua rất nhiều diễn viên khác để được đạo diễn Huy Vân – Hải Ninh mời tham gia vai chính. Chính nhờ vai diễn này mà tôi đã khẳng định được khả năng diễn xuất của mình trước đồng nghiệp và khán giả.
Nhưng vai chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên mới là vai diễn để đời của chị?
NSND Trà Giang là một tên tuổi lẫy lừng trong làng điện ảnh Việt Nam. Với vai diễn cùng tên của bộ phim Chị Tư Hậu, Trà Giang vinh dự là nữ diễn viên đầu tiên của Việt Nam đoạt giải “Diễn viên xuất sắc” tại Liên hoan phim quốc tế Moscow 1963. Chị cũng là nữ diễn viên điện ảnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND đợt đầu tiên năm 1984.
Năm 1962, tôi được đạo diễn Phạm Kỳ Nam mời tham gia vai Tư Hậu. Thật sự lúc ấy, tôi không thể nào diễn tả được niềm sung sướng hạnh phúc bởi vì đây là một vai diễn mà bất cứ diễn viên nào cũng mơ ước. Bộ phim quay gần một năm với biết bao khổ cực. Khi phim được trình chiếu bất ngờ trở thành một hiện tượng, khán giả phải xếp hàng thật lâu mới mua được vé xem. Rồi tôi tiếp tục đóng nhiều bộ phim khác như : Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Mối tình đầu, Huyền thoại mẹ, Dòng sông hoa trắng… và cũng gặt hái thành công. Sau đó, tôi tạm ngưng đóng phim một thời gian. Không ngờ trong thời gian này, tôi đã tìm thấy sự hứng thú ở một lĩnh vực khác. 
KHÔI NGUYÊN (thực hiện)

Bình luận (0)