Trước đây, một tác giả có thể “chiếm sóng” làng ca nhạc trong nhiều năm liền nhưng hiện tại, thời gian gây “sốt” bị rút ngắn đáng kể do tác phẩm có tính thị trường cao hơn tính nghệ thuật.
Bơi nhanh mau đuối sức
Chỉ trong 1 tháng, nhạc sĩ Đông Thiên Đức có đến 4 ca khúc ra mắt công chúng, gồm Nữ nhân ca (ca sĩ Đinh Hiền Anh), Tự ta đa tình tự ta đau (Hoài Lâm), Lệ phí cuộc đời (Cao Thái Sơn) và mới nhất là Lớp trang điểm phai rồi (Maya).
Đông Thiên Đức đã sáng tác ca khúc cách đây nhiều năm nhưng bật lên hẳn so với nhiều đồng nghiệp trong khoảng 1 năm qua. Ca khúc giúp anh được nhiều khán giả biết đến là Ngày mai người ta lấy chồng, do Thành Đạt thể hiện. Sau đó, tác phẩm này tiếp tục xuất hiện trong chương trình truyền hình Ca sĩ mặt nạ do Voi Bản Đôn Anh Tú thể hiện, khiến tên tác giả càng được chú ý.
Ca sĩ Đinh Hiền Anh thể hiện ca khúc Nữ nhân ca của nhạc sĩ Đông Thiên Đức
Trước Đông Thiên Đức, làng nhạc Việt cũng từng có một số nhạc sĩ sớm tạo được tên tuổi. 7 năm trước, Nguyễn Minh Cường vụt sáng với ca khúc Cả một trời thương nhớ qua sự thể hiện của Hồ Ngọc Hà. Sau đó, ca khúc Hoa nở không màu do Hoài Lâm thể hiện càng đưa tên tuổi anh đi xa. Có một dạo, người ta dường như chỉ biết đến các ca khúc của anh, như Hoa nở vô thường, Buồn làm chi em ơi…
Hứa Kim Tuyền cũng có giai đoạn phủ sóng làng nhạc Việt với loạt ca khúc như Nếu một mai tôi bay lên trời, Em là châu báu, Sài Gòn đau lòng quá, Về nghe mẹ ru, Hương… Phan Mạnh Quỳnh, Khắc Hưng, Tăng Nhật Tuệ… từng có giai đoạn là những cái tên quen thuộc trong làng nhạc. Họ không chỉ sản xuất ca khúc đơn lẻ mà còn ra album.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian không dài hoạt động sôi nổi, họ dần ít xuất hiện hoặc thi thoảng xuất hiện trở lại nhưng có người vẫn tạo được tiếng vang, có người lại chìm lỉm.
Muốn đọng lâu, tác phẩm phải hay
Nhạc sĩ Dương Trường Giang nhận định, những thế hệ nhạc sĩ đi trước như Trần Tiến, Phú Quang, Dương Thụ… được nhớ lâu nhờ các sáng tác của họ có tính nghệ thuật cao. Còn ca khúc của nhiều nhạc sĩ hiện tại mang tính giải trí nhiều hơn nên người ta hát nhiều nhưng khó nhớ, khó thuộc. Khó dùng giá trị xưa để đánh giá, so sánh với hiện tại, nhưng rõ ràng, một tác phẩm văn nghệ nhất thiết phải đọng lại chất suy tư, ca từ phải giàu hình ảnh, giàu sức gợi.
Anh cho rằng, nghệ sĩ ngày nay có xu hướng chiều lòng khán giả hơn. Điều này cũng khiến tên tuổi của họ nổi lên nhanh chóng do được nhiều ê kíp chọn hợp tác nhưng cũng mau chóng bị lãng quên theo sự thay đổi thị hiếu của công chúng. Tác phẩm khó đọng lại lâu khi sự “thay cũ đổi mới” diễn ra liên tục với sự phát triển của các nền tảng mạng nghe, nhìn.
Ca sĩ Maya trở lại với âm nhạc qua ca khúc Lớp trang điểm phai rồi của nhạc sĩ Đông Thiên Đức. Ảnh: Chụp màn hình
Bài toán kinh tế cũng đặt ra sự lựa chọn cho các nhạc sĩ. Một số nhạc sĩ chọn cách tận dụng cơ hội, sáng tác cấp tập khi “thời tới” và chấp nhận việc sớm bị lãng quên. Nhạc sĩ Dương Trường Giang cho rằng, sự lựa chọn phụ thuộc vào quan điểm của mỗi cá nhân, ở từng thời điểm. Theo anh, nhạc sĩ cần có quãng nghỉ nhất định để tái tạo năng lượng.
Theo nhạc sĩ Giáng Son, độ bền của một tác giả phụ thuộc nhiều vào nền tảng kiến thức của chính họ. Người trẻ có sự nhiệt huyết, có năng khiếu nhưng đôi khi hơi vội. Khi đã có sản phẩm thành công, cộng với khả năng sáng tác nhanh, họ dễ bị rập khuôn, trong khi thị trường luôn thay đổi, khán giả luôn đòi hỏi cái mới. Chưa kể, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển, hỗ trợ nhiều cho việc sáng tác nên nếu lạm dụng, dễ cho ra đời những ca khúc na ná nhau, thiếu bản sắc. Chị dễ dàng nhận ra điều này khi chấm giải cho một cuộc thi sáng tác ca khúc gần đây.
“Công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp công việc của nhạc sĩ thuận lợi hơn, nhưng công nghệ không có tâm hồn, mà ca khúc không có hồn thì không thể lay động được người nghe. Muốn có cảm xúc đẹp, nhạc sĩ phải trau dồi vốn sống, không nên bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ” – nhạc sĩ Giáng Son nói.
Theo Trung Sơn/PNO
Bình luận (0)