Trong sơ cấp cứu người bệnh, ngoài sự tận tâm của người thầy thuốc, cơ sở vật chất, thuốc men đầy đủ còn có yếu tố góp phần rất quan trọng để giành lấy sự sống cho con người đó là việc chạy đua với thời gian cứu người càng sớm càng tốt. Đây chính là “thời gian vàng” mà tất cả các BV đều phải trân trọng…
Sơ cấp cứu bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu BV Quân y 175 rất cần “thời gian vàng” |
Luôn chạy đua với thời gian
Sau 5 tháng ra đời Trạm cấp cứu vệ tinh 115 thuộc BV quận Gò Vấp đã nhận được hàng trăm cuộc gọi ngay giữa đêm khuya hay lúc mưa gió yêu cầu sơ cấp cứu những căn bệnh xảy ra đột ngột nhưng vô cùng nguy hiểm. Cũng nhờ mô hình này mà số lượng người được cứu chữa và bình phục đã tăng hơn so với những năm trước đây. Được cứu viện kịp thời mà các BS lại có thêm cơ hội quý báu để giành lại sự sống cho người bệnh ngay trong những giờ phút sinh tử nhất. BS Vũ Hoàng Hà – Phó Giám đốc BV quận Gò Vấp trao đổi: “Sau khi ra đời, mô hình Trạm cấp cứu vệ tinh 115 thật sự có hiệu quả hơn cả sự mong đợi vì tất cả các ca bệnh nặng đều được thông báo sớm và điều quan trọng hơn là dù ở đâu lúc nào xe cứu thương cũng có mặt kịp thời để xử lý tình huống nhanh nhất”. Theo báo cáo của Khoa Cấp cứu hồi sức – Chống độc của BV, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ, tai nạn giao thông, ngộ độc, suy hô hấp, hen phế quản đã được cứu sống trong gang tấc nhờ đội cấp cứu vệ tinh luôn có mặt tại chỗ. BS Trần Hoàng Minh – Khoa Cấp cứu hồi sức – Chống độc cho biết: “Có được kết quả đó chính là nhờ thời gian được rút ngắn hơn nhiều trong quá trình sơ cấp cứu tại chỗ và cả phẫu thuật ở BV”. Nếu trước đây khi phát hiện người nhà có những “sự cố” bất ngờ về sức khỏe thì việc chuyển lên BV mất thời gian khá xa nhất là những địa phương ở vùng sâu cách xa trung tâm và BV. Có được phương tiện chuyên chở đã khó, việc di chuyển dọc đường cũng gian truân hơn nhất là trong tình hình giao thông ngày càng hỗn loạn và chỗ nào cũng bị tắc đường. Vì thế không ít bệnh nhân đã bị chết oan dù cơn bệnh mới thoáng qua và chỉ cần đến sớm hơn vài phút là cuộc đời sẽ được phục sinh.
Từ kinh nghiệm hoạt động y tế cộng đồng của các nước tiên tiến trên thế giới, mô hình Trạm cấp cứu vệ tinh 115 được TP.HCM triển khai trong mấy năm gần đây cũng vì mục đích cứu sống con người. Nhiều đứa trẻ bị đuối nước nếu được cấp cứu kịp thời và đúng cách thì sau 4 phút ngạt nước vẫn có thể hồi sinh vì có “thời gian vàng” ủng hộ. |
Từ kinh nghiệm hoạt động y tế cộng đồng của các nước tiên tiến trên thế giới, mô hình Trạm cấp cứu vệ tinh 115 được TP.HCM triển khai trong mấy năm gần đây cũng vì mục đích cứu sống con người. Nhiều đứa trẻ bị đuối nước nếu được cấp cứu kịp thời và đúng cách thì sau 4 phút ngạt nước vẫn có thể hồi sinh vì có “thời gian vàng” ủng hộ.
Giành giật sự sống con người
Đó cũng là lý do để BV Trưng Vương cho ra đời mô hình cấp cứu 115 lần đầu tiên và đến cuối năm 2016 đã có hơn 20 trạm trên 4 cửa ngõ ra vào của TP. BS Nguyễn Minh Quân – Giám đốc BV quận Thủ Đức cho biết, trạm cấp cứu 115 tại các BV đã giúp BS tận dụng được thời gian vàng trong điều trị như: bố trí ê-kíp y BS trực, xe cấp cứu luôn sẵn sàng chờ lệnh trực 24/24, xử lý bệnh nhân không quá 5 phút kể từ khi tiếp nhận thông tin. Đó cũng là lý do khi đến các BV có trạm 115, chúng tôi luôn bắt gặp cảnh đội ngũ thầy thuốc cơ động sẵn sàng “khăn gói” chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ trong tư thế hễ có lệnh là đi. Bây giờ hiếm có cảnh bệnh nhân đến nơi BS mới túc tắc chuẩn bị đồ nghề ra để làm việc như trước nữa mà tinh thần người lính xung trận như đã thấm vào máu thịt từng người. Tất cả khẩn trương, nhanh gọn việc ai nấy làm vì đã được tập dượt kỹ càng từ trước. Không thể chờ đợi thời gian, tất cả hối hả với nhiệm vụ mình đã được giao không một phút giây chậm trễ. Vừa đến nơi sơ cấp cứu, trạm vệ tinh 115 còn là cầu nối để chuyển đến BV trung tâm TP theo yêu cầu của từng gia đình nên quãng đường dù xa nhưng thời gian vẫn được rút ngắn lại ở mức tối thiểu nhất.
Không dừng lại ở đó, một số BV đang phấn đấu trong thời gian tới bằng mọi cách xe cấp cứu phải xác định được vị trí người bệnh đang chờ nhờ có gắn thiết bị định vị. Mô hình này không chỉ hiện đại mà còn mang lại nhiều tiện ích cho trạm vệ tinh vì biết chính xác địa điểm cần tìm để thời gian đã được rút ngắn lại được rút ngắn thêm. Cơ hội cứu sống các căn bệnh “bất tử” sẽ được mở ra mà hiện nay BV quận Thủ Đức là đơn vị thí điểm đầu tiên tại TP.HCM. Nhờ thế dù người bệnh ở tận hang cùng ngõ hẻm ở những nơi ít người biết cũng sẽ có chiếc “la bàn y tế” định vị một cách dễ dàng. Trạm vệ tinh cũng xác định được vị trí mà xe cấp cứu đang di chuyển ở đâu với mục đích tiếp tục chạy đua với thời gian.
Bài, ảnh: Quang Phan
Bình luận (0)