Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thôi học nhiều SV vì bỏ ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Việc hơn 1.000 SV Trường ĐH Tây Nguyên đứng trước nguy cơ bị thôi học hiện đang được chú ý

Việc hơn 1.000 sinh viên (SV) Trường ĐH Tây Nguyên đứng trước nguy cơ bị thôi học hiện đang được chú ý. Thực tế, hằng năm tại các trường ĐH luôn có một lượng SV bị thôi học nhưng thực chất các em đã tự bỏ học để chuyển đổi ngành.

Tự bỏ học để chuyển ngành

PGS.TS Nguyễn Tấn Vui – Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên – cho biết trong khoảng 1.000 SV nói trên, hơn 400 em bị cảnh báo buộc thôi học, còn lại hơn 600 em khác bị cảnh báo học tập (có 1 hoặc 2 học kỳ không đến lớp). Số SV bị cảnh báo buộc thôi học chiếm không đáng kể so với tỷ lệ gần 15 ngàn SV toàn trường.

Cũng theo ông Vui, học kỳ nào trường cũng có SV bị buộc thôi học, từ 100 đến 200 em. Thậm chí có SV bỏ học rồi nhưng gia đình không hề biết. Đa số SV bị buộc thôi học không phải do học lực yếu, nhiều em trong đó tự bỏ học vì cảm thấy không phù hợp với ngành nghề. Nhất là hệ CĐ, không ít em vừa học cầm chừng vừa ôn thi lại trường ĐH khác. “Ngay cả ở ngành sư phạm, có thể một lượng nhỏ SV ngại ra trường khó kiếm việc nên chuyển ngành” – ông Vui nói. Chỉ một bộ phận nhỏ bị buộc thôi học do học yếu, rơi vào những SV diện cử tuyển, trong đó có cả ngành sư phạm.

Trên 60% SV bị buộc thôi học của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng từ lý do tự bỏ học để chuyển đổi ngành nghề. TS. Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – nhìn nhận điều này và cho biết thêm, khoảng 20% SV bị buộc thôi học vì có kết quả học tập kém. Số còn lại rơi vào các hình thức kỷ luật buộc thôi học như thi hộ, nhờ thi hộ, sức khỏe… Trong số này cũng còn có một bộ phận SV say sưa làm thêm, xao lãng việc học, ảnh hưởng đến kết quả.

Trong 2.000 SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM bị buộc thôi học, cảnh báo học tập gần đây nhất chỉ 100 em thuộc hệ ĐH, còn lại thuộc các hệ đào tạo nghề, TCCN. Tương tự như các trường ĐH khác, số SV bị buộc thôi học và cảnh báo học tập tại trường cũng đều đã tự ý bỏ học trước đó. Đặc biệt, số bỏ học nghề, TCCN để thi ĐH lại rất đông.

Trường ĐH Văn Hiến vừa qua cũng buộc thôi học 129 SV do kết quả học tập không đạt yêu cầu. ThS. Lê Sĩ Hải – Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhà trường – cho hay, số SV này không đi học và cũng không dự thi môn nào, toàn bộ đều có kết quả học tập đạt 0 điểm.

Tại hầu hết các trường ĐH, năm nào cũng có hàng trăm SV bị cảnh báo học tập, buộc thôi học vì những lý do trên.

Quan điểm sai “vào được, ra được”

ThS. Phạm Thái Sơn – Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – chỉ ra rằng, 100 SV ĐH bị buộc thôi học tại trường vừa qua đều rơi vào trạng thái… hụt hơi ngay từ năm nhất. Các em nhắm không theo nổi các học kỳ tiếp theo đành bỏ học để thi lại trường khác. Tại trường, số SV bỏ học nhiều nhất chủ yếu nằm ở học kỳ 2 năm học đầu tiên. Qua tìm hiểu, những SV này không đáp ứng chương trình đào tạo do không hiểu cách học ĐH, đăng ký số lượng tín chỉ quá lớn… ThS. Sơn nhấn mạnh, vào bậc ĐH, SV cần học tập nghiêm túc. Quan điểm “vào được, ra được” không phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ hiện nay, dễ khiến các em bị loại ngay từ năm nhất.

Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Lý nêu thêm, SV có tư tưởng vào được ĐH thì nghỉ… xả hơi sẽ dễ dẫn đến nợ môn, không theo kịp bài vở. Tuy năm nay trường chỉ có 280 SV bị buộc thôi học, nhưng số em thuộc diện cảnh báo học vụ lần 1 và lần 2 đông gấp nhiều lần. Nếu các em không tập trung học tập cao độ thì từ cảnh báo học vụ lần 2 chuyển sang buộc thôi học chỉ trong gang tấc.

Bên cạnh đó, TS. Lý đặt ra vấn đề chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp. Vì học ngành không yêu thích, người học dễ xao lãng hoặc chối bỏ. Thậm chí có khi đã hoàn thành chương trình học, chính ngành đó lại từ bỏ người học.

Bài, ảnh: Mê Tâm

PGS.TS Nguyễn Tấn Vui – Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên – cho rằng, để những SV cử tuyển đạt kết quả học tập tốt, chính các em nên bố trí thời gian và sắp xếp lại thời lượng học tập hợp lý, dựa theo năng lực bản thân. Chẳng hạn, nếu SV thông thường đăng ký 15 tín chỉ thì các em chỉ đăng ký 10 tín chỉ cho vừa sức, rồi dành thời gian đầu tư học tập để nâng cao điểm số. Nếu lỡ bị điểm thấp rồi nên tập trung cải thiện điểm…

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)