Như Minh Hằng tiết lộ, ngoài điểm của ban giám khảo, cô đã đăng quang Bước nhảy hoàn vũ 2012 bằng 140.000 tin nhắn mà khán giả bình chọn trong 15 phút đêm chung kết, có lẽ cô gái này đã giữ kỷ lục số tiền mà cô “móc túi” được từ khán giả hâm mộ về cho ban tổ chức…
Đây đúng là thời của những cuộc thi trên truyền hình khi mỗi tuần có đến hàng chục game show, chương trình truyền hình thực tế (reality show) lớn nhỏ khác nhau phủ sóng trên các kênh truyền hình. Và là thời của tin nhắn khi gần như ai cũng sở hữu một đến vài chiếc điện thoại.
Hai yếu tố này kết hợp lại thành một vòng tròn cung cầu khá hoàn hảo đủ để vẽ ra một hình dung: khán giả say mê ngồi xem truyền hình, MC liên tục nhắc hoặc màn hình tivi liên tục chạy chữ: nếu ủng hộ thí sinh hoặc mã số A, B, C, quý vị hãy nhắn tin theo cú pháp… Ừ thì tiếc gì một tin nhắn, hoặc nhiều hơn nữa tin nhắn cho “thần tượng” của mình, của cả nhà mình giành chiến thắng. Đa số khán giả sẽ không để ý đến số tiền cho mỗi tin nhắn, hoặc giả có biết thì cũng không “ki bo” cho “thần tượng”. Nhưng đằng sau mỗi tin nhắn ấy, nhà sản xuất chương trình thu về bao nhiêu?
1. Theo thông tin trên website của chương trình Bước nhảy hoàn vũ, tổng đài bình chọn (7557) của Bước nhảy hoàn vũ mở ra với mục đích tạo tính tương tác giữa khán giả và chương trình. Trị giá mỗi tin nhắn là 5.000 đồng. Với mỗi tin nhắn gửi đến tổng đài là bạn đã ủng hộ 100 đồng cho “Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam”. Một phép tính đơn giản: 5.000 đồng/tin nhắn. Vậy là riêng Minh Hằng trong đêm chung kết đã đem về 700 triệu đồng, và chỉ có 14 triệu trong số đó được dành để ủng hộ cho quỹ trồng 1 triệu cây xanh. Nên nhớ đây chỉ là con số của đêm chung kết, cũng như của riêng Minh Hằng!
Nhưng việc Minh Hằng công bố số tin nhắn của cô có được chỉ là một sự tình cờ khi cô trả lời trong một cuộc giao lưu trực tuyến với khán giả chứ không phải là con số mà nhà sản xuất chương trình công bố chính thức.
Theo thể lệ, Sao Mai – điểm hẹn chỉ cho phép tổng đài chấp nhận một tin nhắn từ một thuê bao điện thoại. Nhưng năm nay, ban tổ chức Sao Mai – điểm hẹn quản lý chặt chẽ hơn tình trạng sim rác, sim ảo. Khi gửi bình chọn, tổng đài sẽ gửi tin nhắn phản hồi và buộc khán giả phải trả lời một câu hỏi để khẳng định số thuê bao gửi tin nhắn là có thật. Tổng đài chỉ tính tiền tin nhắn đầu tiên.
|
2. Chị Phạm Thu Phương – người phụ trách chương trình Đồ Rê Mí của Công ty Truyền thông đa phương tiện – cho biết với mỗi tin nhắn bình chọn cho các bé tham gia chương trình này, khán giả sẽ mất 4.000 đồng (nhưng con số 4.000 này không được công bố trên website của Đồ Rê Mí). Tuy nhiên chị từ chối tiết lộ số tin nhắn cao nhất mà các bé từng nhận được và cho biết thêm là trong một số phóng sự đồng hành, ban tổ chức sẽ chỉ thông báo số phần trăm tin nhắn mà các bé nhận được thay vì cụ thể số tin nhắn “vì chưa có tiền lệ phải công khai thông tin này”.
Gọi đến tổng đài 1900561275 của chương trình mới thật sự ngạc nhiên vì một giọng nữ êm ái “dẫn dụ” các em đến với các nhánh khác nhau của tổng đài, mỗi nhánh lại có một chức năng dưới dạng một câu chuyện để các em dễ dàng lạc vào thế giới của “chị Bò Sữa” – như giọng nữ tự xưng. Tất nhiên, những cuộc gọi đó không hề miễn phí…
3. Vì thế sẽ là hiếm hoi thuộc hạng “ca đặc biệt” như chương trình Sao Mai – điểm hẹn mà nhạc sĩ Tuấn Khanh đã nhận xét từ năm 2010: “Đặc biệt là việc chỉ chấp nhận một tin nhắn trên một sim điện thoại cho bình chọn, hi sinh những con số thu nhập khổng lồ đã là điều đáng quý, nhằm minh bạch hơn cho việc bình chọn. Điều này kiểm soát tốt hơn việc những kiểu hậu thuẫn lũng đoạn chương trình nhằm chiếm giải, vốn là căn bệnh lớn của thị trường ca nhạc hiện tại”.
Cũng thuộc dạng “ca đặc biệt” là vụ việc ca sĩ Ngọc Anh bị hủy 1.412 tin nhắn bình chọn cho bài hát Sẽ mãi yêu anh của cô trong chương trình Bài hát yêu thích vì nhà sản xuất kiểm tra và thấy đó là những sim rác (gọi đến không có tín hiệu). Trên website của Bài hát yêu thích ghi rõ thể lệ nhắn tin bình chọn là mỗi tin nhắn chỉ được nhắn không quá năm lần cho một bài hát trong một ngày với giá của mỗi tin nhắn 500 đồng.
4. Tất nhiên, việc rút máy điện thoại ra để nhắn tin bình chọn là quyền của khán giả, không ai ép được. Càng không thể phủ nhận chương trình có hấp dẫn, thu hút khán giả thì họ mới hào hứng nhắn tin, nhắn nhiều tin hơn nữa. Chỉ thắc mắc không biết có điều kiện về kinh doanh nào yêu cầu các nhà sản xuất phải công khai số tin nhắn không? Nếu không công khai thì thuế và thu nhập được tính ra sao? Và cách nào để trẻ em không bị dụ dỗ với những lời ngon ngọt để rồi phụ huynh méo mặt móc tiền trả cước điện thoại? Tuổi Trẻ đã hơn một lần lên tiếng về “họa tin nhắn, cuộc gọi” kiểu này, thế nhưng chị Bò Sữa của Đồ Rê Mí đến giờ vẫn chỉ ngọt ngào thủ thỉ mà không hề hỏi: Các em đã xin phép bố mẹ khi gọi điện đến tổng đài này chưa?
Theo TTO
Bình luận (0)