Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thời khó khăn, yêu cũng ngại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tiết kiệm “tình phí”, lùi ngày cưới hoặc bỏ qua các thủ tục cưới xin; thậm chí không dám yêu là tình cảnh của nhiều công nhân hiện nay…

Chiều chiều, chiếc ghế đá trong góc nhà trọ không còn cảnh các chị đưa con ra đút cơm, các cô cùng nhau “tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Thay vào đó, chiếc ghế đá trở thành chỗ hẹn hò của Luân và Thúy, công nhân (CN) Công ty Danu Vina – KCX Linh Trung I (TPHCM). Cả xóm trọ đều biết Luân và Thúy yêu nhau mấy tháng nay nhưng thay vì hẹn hò nơi quán xá, cô cậu chỉ đưa nhau ra trò chuyện ở ghế đá nhà trọ. 

Yêu nhau chỉ biết… nhìn nhau

Chuyện đi xem phim, ca nhạc vốn xa lạ nay càng xa lạ hơn đối với CN trong thời khó khăn. Như đôi Luân – Thúy, tình yêu của họ bắt đầu cũng là lúc Luân dồn hết tiền lương mua một cái điện thoại di động để liên lạc với gia đình. Chiều chiều, Thúy hay ra ghế đá ngồi nghe ké các bản nhạc phát ra từ chiếc điện thoại rẻ tiền này. Cô tâm sự: “Tôi chẳng bao giờ đề nghị anh ấy dẫn ra quán xá hay đi ăn uống vì tôi biết anh ấy cũng là CN nghèo như mình”.

Không chỉ có đôi Luân – Thúy tiết kiệm mà nhiều CN yêu nhau cũng giảm tối đa “tình phí”. Hoàng, CN Công ty Kollan – KCX Linh Trung I, đùa: “Từ khi công ty ít đơn hàng, giảm tăng ca, chi phí dành cho tình yêu của chúng tôi cũng giảm theo. Trước đây, khi có tiền, tôi hay chở cô ấy đi cà phê, karaoke… Giờ thì hết rồi, may mà người yêu tôi hiểu”. Với nhiều CN, hạnh phúc giờ đây cũng đơn giản hơn. Linh, CN Công ty Thiên Long – KCN Tân Tạo, chia sẻ: “Thay vì đi ăn bên ngoài tốn nhiều tiền, chủ nhật anh ấy đến chơi nhà trọ của tôi, cùng nấu ăn với cả phòng. Buổi trưa, hai đứa dắt nhau đi siêu thị, nhà sách, ngắm nghía no con mắt rồi… về”.

 

Bà Nguyễn Thị Thạch Thảo, Trung tâm Tư vấn Gia Đình Việt: Không nên “ép xác”

Trong tình hình khó khăn chung hiện nay, việc tiết giảm chi tiêu là cần thiết. Tuy nhiên, phải lựa chọn thứ tự ưu tiên những việc phải cắt giảm, không nên “ép xác”, loại bỏ hẳn nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người như vậy. Cần nhớ rằng đời sống tinh thần, tình cảm có thoải mái thì mới tạo hưng phấn để làm việc có chất lượng, hiệu quả.

Đám cưới, để từ từ rồi tính!

Với nhiều CN hiện nay, bên cạnh nỗi lo về giá nhà trọ, giá điện nước tăng, họ còn luôn phập phồng nỗi lo lớn hơn: Mất việc. Liên, CN Công ty Song Hòa, quận 8 – TPHCM, buồn hiu: “Tụi tôi yêu nhau đã 2 năm. Định cưới hồi cuối năm ngoái nhưng thấy cái gì cũng tăng giá nên chờ năm nay xem có đỡ hơn không. Nhưng với tình hình này, năm nay chưa chắc cưới được”. Còn Hòa, người yêu của Liên, tính: “Hồi trước, chúng tôi định tổ chức một đám cưới ở quê để ra mắt họ hàng và một đám cưới ở trong này để đãi bạn bè. Nay thì chắc chỉ làm gọn nhẹ ở quê và báo tin mừng đến bạn bè thôi. May mà cả hai đứa đều còn việc làm”.

Theo chân một CN đang làm việc ở KCN Bình Chiểu, tôi đến chơi nhà một đôi vợ chồng trẻ. Nhìn đồ đạc trong nhà sơ sài, không ảnh cưới cũng không giường gối mới, tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Sau một lúc trò chuyện khá lâu, L. thú thật: “Tụi em chưa cưới chị à. Vài tháng nữa anh ấy nhắn ba má xuống nhà em thưa chuyện để hai đứa thành vợ, thành chồng. Mà sống như vầy cũng đỡ tiền nhà trọ, tiền ăn…”. Đó cũng là sự lựa chọn của nhiều đôi CN yêu nhau.

Nghèo quá, không dám yêu

Chiều thứ bảy nhưng Ân, Công ty Daiwa Plastic – KCX Tân Thuận, chỉ quanh quẩn với mấy đĩa nhạc từ cái máy hát cũ. Khi tôi hỏi cuối tuần sao không ra ngoài giải trí hay đi chơi với người yêu, Ân cười: “Ra ngoài cái gì cũng tiền. Còn người yêu thì càng không dám, yêu nhau chẳng lẽ nhìn nhau hoài. Có thể người yêu thông cảm nhưng con trai ai lại làm thế. Tốt nhất chẳng nên có người yêu”. Ngoài thời gian đi làm, Ân còn học thêm và tham gia các hoạt động đoàn thể. Nhưng khi nhắc đến tình yêu, anh chàng 25 tuổi này chỉ lắc đầu.

Cũng như Ân, chuyện tình yêu đối với Thơm, Công ty FAPV – KCX Tân Thuận, cũng trở thành chuyện xa vời. Mới 22 tuổi nhưng Thơm đã có gần 4 năm làm việc tại KCX. Ngoài thời gian đi làm, cô còn phụ bán quần áo ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 – TPHCM để kiếm thêm tiền gửi về cho gia đình và nuôi đứa em trai học cao đẳng kinh tế. Thơm kể: “Nhiều khi cũng muốn yêu ai đó nhưng thấy mình còn gánh nặng gia đình nên lại ngại. Có người yêu rồi còn phải quan tâm chăm sóc bản thân, sắm sửa vài bộ quần áo được mắt nhưng cả tiền và thời gian tôi đều không có, nên thôi”.

Theo Ngân Hà / NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)