Hội nhậpGiáo dục phát triển

Thời lên 9 của hành trình 44 năm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn tặng hoa cho các nhà báo tại Hội nghị tổng kết tuyển sinh của Trường ĐH Sài Gòn
Tuy còn khá non trẻ trong làng đại học (ĐH) TP.HCM, nhưng có thể nói 9 năm qua, Trường ĐH Sài Gòn có những bước bứt phá táo bạo, nhanh chóng xác lập được vị thế tốp trên trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhân dịp xuân Bính Thân, Giáo dục TP.HCM đã có những trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học ĐH Sài Gòn.
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn, trước hết xin ông cho biết Trường ĐH Sài Gòn đã thành lập như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn

PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn: ĐH Sài Gòn được thành lập như là một điều tất yếu. Nó không những đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn lao động có trình độ cao cho khu vực TP.HCM trong thời kỳ CNH-HĐH, mà còn góp phần cho vùng Nam bộ cũng như cả nước. Tiền thân là Trường Sư phạm giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập vào tháng 2-1972 tại Xa Mát – Tây Ninh (Khu căn cứ TW Cục). Sau năm 1975 là Trường CĐ Sư phạm TP.HCM. Qua các giai đoạn, lấy mốc từ năm 1972 thì trường đã 44 tuổi.

Có thể nói, ĐH Sài Gòn là đứa con đầu lòng của TP.HCM – Sài Gòn 300 năm. Trên đôi vai của nó gánh vác cả sứ mạng lớn lao mà TP giao cho. Điều này lại càng hệ trọng hơn khi ĐH Sài Gòn đang chuyển động quyết liệt trong dòng chảy đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam mà Đảng và Nhà nước đã đề xướng. Nói không ngoa, khi gọi ĐH Sài Gòn, ta ngỡ như cả quá khứ và tương lai đang cùng soi bóng ở đây.
Vậy đội ngũ giảng viên có phát triển tương thích không, thưa ông?
Khi mới thành lập, đội ngũ giảng viên cơ hữu chỉ có 7 người có trình độ tiến sĩ (TS), còn lại là thạc sĩ (ThS) và cử nhân. Đến nay, giảng viên cơ hữu đã có 130 PGS, TS (trong số này nhiều người du học ở nước ngoài về), còn lại đều là trình độ nghiên cứu sinh hoặc ThS. Với đội ngũ này, trường hiện nay đào tạo 14 ngành CĐ, 38 ngành ĐH, 12 ngành cao học và chuẩn bị mở 3 ngành nghiên cứu sinh trên các lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật – công nghệ; văn hóa – xã hội – chính trị; luật; nghệ thuật và đào tạo giáo viên các cấp.
Hiện nay trường có 19 khoa, với quy mô chu chuyển hàng năm trên 1,5 vạn sinh viên. Ngay từ năm 2007, khi mới có chủ trương của Bộ GD-ĐT, trường đã mạnh dạn chuyển hẳn từ đào tạo theo hệ thống niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ và hiện nay đã qua 2 chu kỳ đào tạo tín chỉ.
Trong những năm vừa qua, ĐH Sài Gòn luôn là trường tốp trên trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Năm 2015, trường được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi THPT quốc gia, không những cho học sinh TP.HCM mà còn cho 2 tỉnh Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. ĐH Sài Gòn còn có trường trực thuộc là Trường Trung học Thực hành Sài Gòn dành cho học sinh từ lớp 6 đến 12. Đây cũng là trường tốp trên của giáo dục phổ thông TP.HCM.
Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ cũng như điều kiện hạ tầng cơ sở ra sao?
Bên cạnh việc củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo, trường đẩy mạnh hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ. CB-CC-VC của trường đã thực hiện những đề tài cấp cơ sở, cấp bộ, có nhiều bài báo khoa học được in ở các tạp chí khoa học trong nước cũng như ngoài nước.
Hiện nay, Tạp chí Khoa học ĐH Sài Gòn đã được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước tính điểm cho 24 ngành khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên cao học, các nghiên cứu sinh khi bảo vệ luận văn, luận án, cũng như cho các TS có cơ hội tích lũy để đạt chuẩn chức danh PGS, GS. Trường ĐH Sài Gòn đã tổ chức đánh giá trong và đã đăng ký với Bộ GD-ĐT để được kiểm định đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn các trường ĐH Đông Nam Á (AUN – ASIAN University Network).
Nhờ sự quan tâm của Thành ủy, UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành nên điều kiện về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho đào tạo và NCKH của trường ngày càng được bổ sung, nâng cấp. Ngoài cơ sở chính tại 273 An Dương Vương, P.3, Q.5 (trước đây là Học viện Bác Ái xây cách đây 107 năm), và một số cơ sở tại Q.1, Q.3, Q.5 hiện nay, TP đang tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở mới tại P.Tân Phong, Khu đô thị Nam Sài Gòn với diện tích 15 hécta.
Các thiết bị và phương tiện dạy học đều được trang bị đầy đủ cho các phòng học, giảng đường, hệ thống thư viện điện tử, các phòng thí nghiệm, khu thể thao đa năng… đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, học tập, cũng như thực hành và rèn luyện của sinh viên.
Ông có thể cho biết, định hướng của ĐH Sài Gòn những năm tới?
Hiện nay, theo quy chuẩn phân tầng ĐH của Chính phủ, thì ĐH Sài Gòn ở tầng ứng dụng. Đương nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm định, đánh giá và công bố công khai.
Tuy vậy, ĐH Sài Gòn không thể dừng lại. Trong nhiệm kỳ 5 năm tới đây trường sẽ phấn đấu thành ĐH ứng dụng có xu hướng nghiên cứu. Muốn đạt điều này phải đào tạo, bổ sung giảng viên có trình độ TS trở lên nhiều hơn, phải tăng nhiều quy mô đào tạo sau ĐH, phải tăng cường NCKH và chuyển giao công nghệ. Từ năm 2025 trở đi, thực sự trở thành trường ĐH nghiên cứu. Đất sau lưng ĐH Sài Gòn không đến nỗi hẹp, nhưng chúng tôi không còn chỗ để lùi nữa.
PGS.TS có tâm sự gì khi năm 2016 đến?
Tôi là người xứ Nghệ nhưng đại gia đình tôi đã sinh sống và làm việc 40 năm tại TP.HCM. Tôi xem TP như là quê hương thứ hai thân yêu của tôi và đại gia đình tôi. Tôi rất tự hào là công dân TP.HCM. Chúc cho mọi người, mọi nhà một xuân mới an khang, thịnh vượng.
Xin cám ơn PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn!
Ngọc Quang (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)