Phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường phổ thông đã được triển khai từ lâu. Cùng với giáo dục STEM, NCKH đang từng bước đưa người học tiệm cận hơn với kiến thức thực tiễn. Tuy nhiên, tại mỗi trường, khi triển khai phong trào này lại có những “trái ngọt” khác nhau.
Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM) trong một hoạt động nghiên cứu khoa học
Theo các nhà quản lý giáo dục, để có thể đưa NCKH vào nhà trường một cách hiệu quả, bên cạnh đội ngũ giáo viên nhiệt huyết, có năng lực thì quan trọng không kém là ngọn lửa đam mê NCKH trong học sinh phải được “thổi bùng”.
Các trường phải “mạnh tay”
Tại TP.HCM, nói đến phong trào NCKH phải kể đến Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM). Đây là đơn vị luôn dẫn đầu về các dự án đạt giải cao trong các kỳ thi NCKH cấp thành phố, quốc gia và quốc tế.
Chia sẻ về “bí quyết” để đạt được thành tích trên, cô Phạm Thị Bé Hiền (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho rằng không kể đến tính kế thừa truyền thống thì đội ngũ giáo viên phải luôn có ý thức về NCKH, có các kỹ năng về NCKH. “Người giáo viên phải biết khơi lên niềm đam mê, say mê khoa học cho học sinh. Có thể chỉ là đưa ra cái nhìn tổng quan về khoa học thế giới và Việt Nam, về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho học sinh, từ đó thôi thúc sự tò mò, sáng tạo trong các em. Đi lên từ những điều nhỏ nhặt, góp nhặt thành những điều lớn lao”, cô Hiền nói.
Tuy nhiên, yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất đối với NCKH trong nhà trường, theo cô Hiền không hẳn là kỹ năng của giáo viên mà lại phụ thuộc nhiều vào học sinh. Bởi giáo viên chỉ đóng vai trò định hướng, khơi gợi còn chính các em mới là nhân vật “đinh”. Thầy cô đừng làm giúp học sinh mà chỉ nên giúp các em xây dựng khả năng tự lực, về hướng nghiên cứu, “thổi lửa” đam mê cho các em. Khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện, trao cho các em cơ hội được nhìn thấy, tiếp xúc với các vấn đề của xã hội để đưa ra hướng nghiên cứu giải quyết. Mời thêm các cựu học sinh từng đạt giải cao trong NCKH về chia sẻ kinh nghiệm, góp phần “thổi lửa” đam mê cho các em. “Có nghĩa là học sinh phải chủ động, chủ động trong cách phát triển đề tài, chủ động trong việc rẽ hướng đề tài, tìm hiểu thông tin”, cô Hiền nhấn mạnh.
Không phải là trường chuyên nhưng nhiều năm nay Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) luôn được đánh giá cao về phong trào NCKH trong học sinh. Từ cách làm của trường mình, thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay NCKH trong trường học không phải là điều gì đó to tát, xa vời. Thực chất chỉ là cho học sinh trải nghiệm những sáng tạo, đưa ra những ý tưởng, phát triển những ý tưởng đó từ chính các kiến thức bài học, gắn liền với thực tiễn. Một ví dụ đơn giản, thực tế và hết sức bình thường là cho học sinh trồng 1 cái cây và ghi chép lại quá trình phát triển của cây. Từ chính quá trình theo dõi, ghi chép đó sẽ giúp các em rút ra được các kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp hay. Đó đã là giúp các em NCKH.
Một điều nữa, theo thầy Cường, NCKH cần phải có đội ngũ giáo viên có năng lực, tầm nhìn. Vì vậy, kinh nghiệm mà thầy Cường đưa ra là các trường hãy chú trọng đẩy mạnh NCKH tập trung vào các môn học chủ lực của trường mình. “Thế nhưng, bên cạnh tầm nhìn, quan trọng là người giáo viên phải có đam mê, thật sự “máu lửa”, dám theo đuổi đến cùng với học sinh trong những đề tài. Đừng nói rằng xa xôi cách trở, từng có đề tài NCKH trong trường mà giáo viên, học sinh lặn lội xuống tận Bình Dương để lấy mẫu đất về nghiên cứu”, thầy Cường cho biết.
Với cách làm của trường, thầy Cường cho rằng Ban Giám hiệu phải “mạnh tay” đưa tiêu chí NCKH vào thi đua cho giáo viên. “Giáo viên đưa học sinh NCKH thì được tính điểm thi đua ra sao, có sự khác biệt thế nào với giáo viên chỉ tập trung chuyên môn. Tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao, học hỏi chuyên môn”, thầy Cường nói.
Thầy và trò phải cùng vào cuộc
Lâu nay Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.HCM) được gọi là trường… làng. Học sinh và giáo viên trong trường hẳn nhiên là không đủ thuận lợi để NCKH. Thế nhưng, trường lại được biết đến với những “giải bự” về NCKH.
Là người từng hỗ trợ học sinh trong quá trình NCKH, cô Nguyễn Ngọc Vân Anh (giáo viên môn hóa) kể lại rằng, để làm các đề tài NCKH, học sinh trong trường phải tận dụng những giờ nghỉ trưa đi xe buýt đến Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) để mượn phòng thí nghiệm. Vì vậy, theo cô, xa hay gần không phải là vấn đề mà vấn đề nằm ở chỗ học sinh phải thật sự đam mê. “Chỉ khi các em có đam mê thì mới có động lực để vượt qua những trở ngại. Bởi khi bắt tay vào nghiên cứu một đề tài đó là cả một quá trình dài với rất nhiều những phát sinh, không phải một ngày, hai ngày mà xong. Nếu không có tinh thần lao động và trách nhiệm thì dễ bỏ cuộc giữa chừng”, cô Vân Anh bày tỏ.
Nhớ lại những khi đồng hành cùng học sinh thực hiện đề tài NCKH, với cô Vân Anh đó là những ngày “lăn lê, bò toài” đúng nghĩa. “Đúng là tôi không làm thay học sinh nhưng phải giúp các em định hướng đường đi. Có nhiều đề tài mà tài liệu có sẵn là con số 0, hoàn toàn do cô trò phải tự tìm tòi, phán đoán”, cô Vân Anh chia sẻ.
Trong khi đó, cô Lê Thị Hồng Quế (giáo viên môn địa, Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM) nói: “Khoa học chỉ là hơi thở cuộc sống. NCKH là nghiên cứu những vấn đề gần gũi với cuộc sống. Rất may mắn là học sinh trong trường giờ đã hiểu được điều đó”.
Để học sinh nhận ra được “chân lý” đó, chính cô Quế là người miệt mài “gầy dựng” nên CLB Eure’ka để mang NCKH đến gần với học sinh bằng cách mời chuyên gia từ các trường ĐH đến trường chia sẻ cho các em về những kỹ năng hình thành ý tưởng, phương pháp nghiên cứu, kết nối đưa học sinh đến những trường ĐH, tham quan các mô hình NCKH… để các em hình thành ý tưởng từ chính thực tiễn.
“Học sinh của tôi hay băn khoăn về cách hình thành ý tưởng trong NCKH. Và tôi thường chia sẻ với các em rằng, với mỗi em sẽ có những lợi thế và đam mê riêng, phù hợp với từng lĩnh vực khác nhau. Không phải cứ ngồi vào phòng thí nghiệm mới là NCKH. Các em hãy nghiên cứu những gì mà bản thân tin là mình nắm rõ nhất. Điều này có nghĩa là người giáo viên phải đồng hành cùng các em”, cô Quế cho hay.
Q.Long
Bình luận (0)