Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thời phụ nữ đoạt Booker Nga 2009

Tạp Chí Giáo Dục

Với Thời phụ nữ, nhà văn Elena Chizhova vừa trở thành chủ nhân Booker Nga 2009, giải thưởng văn học thường niên trao cho quyển tiểu thuyết viết bằng tiếng Nga xuất sắc nhất trong năm.

Elena Chizhova tại lễ trao giải tháng 12-2009 ở Matxcơva – Ảnh: RIA Novosti

Elena Chizhova viết văn, dịch văn học kiêm viết ký sự khoảng mười năm lại đây, là tổng biên tập tạp chí quốc tế Ngôn Luận Toàn Thế Giới kiêm giám đốc Văn bút Saint Petersburg. Trước đây, tác phẩm của bà đã hai lần lọt vào danh sách chung khảo Giải Booker Nga. Trong tiểu thuyết Nguyệt quế (2002), bà đã bạo dạn đề cập những chuyện thâm cung bí sử của nhà thờ Chính thống giáo. Trong một tác phẩm khác nhan đề Nữ phạm nhân (2005), Elena Chizhova đã nêu lên tình trạng bài Do Thái và phản ứng của xã hội đối với vấn đề này. Nói chung, những đề tài của Elena Chizhova luôn gay cấn, đầy tranh cãi.

Cận kề cái chết

Bản thân tác giả cũng gây ấn tượng là một con người cứng cỏi và nghiêm chỉnh. Là một chuyên gia kinh tế, Elena Chizhova tham gia giảng dạy, hoạt động kinh doanh, thậm chí từng kết hôn với một vị linh mục. Rồi một chuyện tình cờ xảy ra khiến bà đến với công việc sáng tác văn học.

Elena Chizhova chia sẻ: “Chuyện đó xảy ra năm 1998. Con tàu chở chúng tôi từ Krưm đến Istanbul bị bốc cháy. Sáu giờ trên biển không ai đến cứu chúng tôi. Khi đám cháy trên tàu được dập tắt và chúng tôi được lên bờ, tôi hiểu rằng kể từ giờ phút đó mình sẽ không bao giờ nghĩ về tiền nong hoặc thăng tiến nữa. Tôi sẽ làm những gì mà bản thân thấy cần phải làm”.

Trong tiểu thuyết Thời phụ nữ vừa được tặng giải thưởng Booker Nga 2009, Elena Chizhova đã không nhân danh bản thân mà thác lời cụ ngoại, bà ngoại và những người ruột thịt bị chết trong giai đoạn thanh trừng 1937-1938 hoặc bỏ mạng trong thời phong tỏa để nhắc lại những nỗi kinh hoàng mà người dân Leningrad phải trải qua suốt 900 ngày đêm bị bao vây trong chiến tranh chống phát xít Đức. Mặc dù câu chuyện trong tiểu thuyết xoay quanh cuộc sống hậu chiến nhưng các nhân vật – ba bà lão cùng chung sống trong một căn hộ tập thể – vẫn coi mình là người thời phong tỏa. Hàng xóm của họ là một cô gái trẻ từ nông thôn ra thành thị làm công nhân nhà máy. Khi cô lâm bệnh hiểm nghèo, người tình bội bạc bỏ rơi cô với đứa con 7 tuổi. Ba bà lão đã không cho cô gái đưa con vào trại tế bần mà cùng nhau nuôi nấng đứa bé sau khi mẹ nó qua đời. Qua phần vĩ thanh, độc giả được biết đứa bé lớn lên đã trở thành họa sĩ.

Những người đàn bà mang sứ mệnh lớn lao

Elena Chizhova cho rằng quan niệm về cái thiện không được chuyển tải qua sách giáo khoa hoặc những cuốn tiểu thuyết, mà được truyền miệng từ cụ sang bà, từ bà sang mẹ rồi từ mẹ sang con gái. Thế kỷ 20 chính là thời của phụ nữ, bởi vì những người đàn ông xuất sắc đã bị chiến tranh cướp mất. Chỉ còn lại đàn bà, những người truyền tải truyền thống. Có những thời kỳ lịch sử mà người đàn bà phải đảm trách các sứ mệnh lớn lao. Đó là lý do mà tác giả đặt cho tác phẩm của mình nhan đề Thời phụ nữ.

Đoạt Giải Booker Nga 2009, Elena Chizhova được nhận 0,5 triệu rup (tương đương 17.000 USD), mà kể từ năm nay người được giải không phải nộp thuế cho nhà nước.

Booker Nga là giải thưởng văn học phi chính phủ đầu tiên của nước Nga kể từ năm 1917. Giải được sáng lập từ năm 1991, lần đầu tiên được trao vào năm 1992 và từ đó tới nay trở thành giải thường niên, được coi là một trong những giải văn học sang trọng nhất ở Nga. Năm ngoái Giải Booker Nga được trao cho nhà văn Mikhail Elizarov với tiểu thuyết Thủ thư. Các nhà văn như Bulat Okudzhava, Ludmila Ulitskaya (tác giả Sonechka đã được dịch ra tiếng Việt), Aleksandr Ilichevski, Mikhail Butov… cũng từng đoạt giải này.

Chủ tịch hội đồng giám khảo – nhà thơ nổi tiếng Sergei Gandlevski nói tuy không phải là một người ủy mị nhưng khi đọc tiểu thuyết Thời phụ nữ ông đã nhiều lần nghẹn ngào xúc động. Còn Igor Saitanov, thư ký văn học của giải Booker Nga, đánh giá cao phẩm chất văn xuôi của Elena Chizhova: “Nữ nhà văn này luôn viết từ thẳm sâu kinh nghiệm riêng của bản thân mình, nhưng bà cho rằng những trải nghiệm đó cần được truyền đạt bằng lời lẽ có sức nặng. Bà đã viết nên một tác phẩm tràn đầy âm thanh và giọng điệu. Theo tôi, trong tiểu thuyết này ta nghe thấy có âm thanh”.

NGUYỄN THỊ KIM HIỀN (Theo TTO)

Bình luận (0)