Giống như năm trước, kỳ thi THPT quốc gia năm nay bộ môn lịch sử cũng không được học sinh mặn mà cho lắm. Các em chọn môn địa lý vì được sử dụng Atlat khi làm bài nên môn lịch sử càng bị… bỏ rơi.
Rõ ràng, môn lịch sử đang có vấn đề về sách giáo khoa và về phía người dạy. Về sách giáo khoa, báo chí đã phân tích, mổ xẻ nhiều, nhưng theo tôi, sách lịch sử hiện hành có lẽ nên đổi thành tựa đề “Kể chuyện các chiến dịch, các trận đánh” thì đúng hơn. Trận nào, chiến dịch nào ta cũng thắng lớn; không có trận nào hòa hoặc thua.
Nếu sách lịch sử mới đang tiến hành biên soạn mà cứ theo vết xe đổ của cách viết xưa cũ thì tôi đảm bảo chẳng học sinh nào thích học. Tất cả sách lịch sử của các cấp, luôn có đầy các chiến dịch, các trận đánh… Lịch sử dân tộc ta đâu chỉ có những trận đánh mà còn có rất nhiều lĩnh vực khác cần được tìm hiểu để tôn thêm lòng tự hào; vun bồi thêm lòng yêu nước thương nòi của mỗi người con nước Việt… Về phía người dạy – thiệt tình nhiều khi tôi cảm thấy thương cho các đồng nghiệp của mình. Áp lực bên ngoài là xã hội, là dư luận; áp lực bên trong là nhà trường, là thi đua đủ thứ… Không biết tự bao giờ mà môn lịch sử bị coi là môn phụ? Vì có tâm lý ấy nên xã hội, phụ huynh không coi trọng bộ môn; học sinh cũng “noi gương” nên cũng không chịu học. Lắm khi thấy thầy cô bộ môn lịch sử, địa lý ngơ ngác, tủi thân vì họ không được học trò trân trọng như thầy cô các bộ môn khác. Hơn nữa, sách viết như vậy khó tạo cảm hứng cho người dạy mà dù có cảm hứng đến mấy cũng khó dạy hay, dạy hấp dẫn. Nhiều thầy cô mạnh dạn tìm tài liệu, hình ảnh qua mạng để hấp dẫn học sinh nhưng đó chỉ là một phần nhỏ bé. Tài liệu trên mạng phải được kiểm chứng nên cần cẩn trọng khi sử dụng, vì vậy ai cũng ngại tìm.
Để làm sống lại môn lịch sử, tôi xin nêu ra một vài ý kiến nhỏ: Người biên soạn sách lịch sử cần bám sát chủ đề; nắm được tâm lý học sinh để diễn đạt, dẫn dắt vấn đề sinh động hơn. Mặt khác, cần có sự phản biện; có lòng dũng cảm nói lên sự thật từng thời kỳ lịch sử để môn lịch sử được trả về đúng nghĩa của nó.
Sách lịch sử cần cô đọng, súc tích; không sa đà vào các chi tiết rườm rà, nhỏ nhặt. Lời văn dễ nhớ, dễ khắc ghi vào tâm trí. Bộ môn lịch sử phải là môn thi bắt buộc (văn, lịch sử, toán, Anh văn) để học sinh có ý thức về bộ môn; ý thức về việc học lịch sử nước nhà.
Thạch Hoàng Sa
Bình luận (0)