Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thổi thủy tinh – nghề nhọc nhằn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Chúng tôi tìm đến một cơ sở thổi thủy tinh làm hũ chao, bóng đèn của ông chủ người Hoa nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Âu Cơ, P.14, Q.11, TP.HCM lúc 13g. Xưởng có gần 100 thợ, chia ba ca (tám giờ/ca), 2/3 là thợ nam, đang hì hục với các công đoạn nấu, thổi, đem thành phẩm phơi cho nguội…
Anh Hồ Văn Minh, người có hơn 10 năm đứng khâu thổi cho biết: Nguyên liệu làm hũ chao được tận dụng từ ve chai phế thải, cho vào lò đun chảy. Người thợ dùng ống thổi lấy thủy tinh cho vào khuôn đất (đang được đun nóng) và dùng sức thổi để tạo ra những hình dạng như ý. Những người làm nghề này cần một sức khỏe dẻo dai, chịu đựng được môi trường làm việc luôn có nhiệt độ cao.
Nghề nhọc nhằn
Mới vào lò độ 10 phút mà tôi như ngộp thở vì mùi mồ hôi, mùi khói lửa, mùi thủy tinh phế thải… Những người thợ thổi không có một trang bị nào để bảo vệ sức khỏe, kể cả khẩu trang, bởi họ phải dùng miệng, lấy hơi của mình để thổi thủy tinh vào khuôn. Vì thế, sau một thời gian làm việc, đa số thợ đều mắc bệnh viêm phổi, suy giảm thị lực nhưng họ vẫn bám nghề, ngoài lý do “miếng cơm, manh áo”, còn vì lòng yêu nghề.
Xưởng thổi thủy tinh của chị Trịnh Thị Mai Hương (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) chuyên sản xuất ống thuốc y tế. Gọi là “xưởng” cho sang, chứ thật ra đó chỉ là một căn nhà cấp bốn, rộng khoảng 40m2. Hơn chục công nhân, mỗi người một cái đèn khò đang cặm cụi làm ống thuốc gia công. Từng ống thủy tinh dài hàng mét, được cắt bằng những ngọn đèn khò, sau đó vuốt dài và đốt đầu ống. Chị Hương mặt hồng lên vì nóng, vừa vuốt mồ hôi trên mặt vừa nói chuyện với chúng tôi. Mười năm trước, cơ sở của chị làm nhiều thứ như bóng đèn, chai, lọ, ly, cốc, nắp phích… bán rất chạy. Khoảng những năm 1990, hàng nhựa tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều, các cơ sở thổi thủy tinh không còn đầu ra. Để trụ lại với nghề, chị chuyển sang nhận gia công ống thuốc y tế.
“Làm nghề này chỉ phải học khoảng hai tháng nhưng vất vả lắm. Mùa lạnh còn đỡ, chứ mùa hè thì nóng ghê người” – chị Mến, người có thâm niên tám năm ở xưởng chị Hương nói. Trong lò thổi không được dùng quạt, vì nếu có gió là ngọn lửa đổi hướng. Các ống thuốc thành phẩm được một chị gom nhanh đem ra chỗ trống. Tôi định phụ chị một tay nhưng vừa chạm vào ống thuốc, tôi lập tức buông ra vì quá nóng. Chị Mến cười: “Cô không quen đâu, nóng lắm. Ở đây mọi người đã quen, đầu ngón tay ai cũng chai cứng, mất hết cảm giác rồi. Nếu không thì không thể làm được nghề này”.
Hướng mới
Không còn làm theo kiểu truyền thống được nữa, những người muốn trụ lại với nghề thổi thủy tinh thì phải “lên đời”. Vợ chồng anh Nguyễn Đức Thuận – Phạm Hương Giang, chủ cơ sở thổi thú thủy tinh (132/20A Cây Sung, P.14, Q.8, TP.HCM) là một trong số rất ít những nghệ nhân bám nghề và đã sống được với nghề.

Anh Thuận thổi thú thủy tinh bằng đèn khò

“Trước đây, tôi thổi (dùng miệng) để làm ly, chai, lọ “có ăn” lắm nhưng giờ người ta không làm những mặt hàng này bằng thủ côngnữa, mà đã tự động hóa bằng máy móc, sản phẩm làm ra vừa nhẹ, vừa kiểu cách, giá lại mềm. Vậy là tôi xoay ra thổi thú. Dù làm hàng thú tốn công sức hơn nhưng được cái ít người làm, hàng của tôi lại có đầu ra” – anh Thuận kể.
Vừa nói, anh vừa trổ tài, cho thanh thủy tinh vào ngọn lửa xanh, một tay cầm thanh thủy tinh xoay đều cho nóng chảy, tay kia cầm cây nhíp khoảng hai tấc kéo mạnh cho phần thủy tinh nóng chảy đứt rời, sau đó lấy một chiếc que dài vít khối thủy tinh nóng chảy đưa lên họng đèn. Anh nhanh tay cuộn khối thủy tinh đã chảy tạo những đường cong trên thân hình của một chú thỏ; tiếp tục lặp những động tác trên để tạo mắt, tai, đuôi…

Những sản phẩm thú thủy tinh

Trung bình một ngày anh làm được 250 con thú, chủ yếu là biểu tượng của 12 con giáp. Sản phẩm của anh cung cấp cho các mối hàng ở chợ, được khách nước ngoài rất ưa chuộng; đồng thời được thương lái ở Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ… đặt hàng. Chị Giang cho biết: “Dịp cuối năm, chúng tôi phải làm ngày làm đêm mới đủ cung cấp cho khách vì sản phẩm của chúng tôi có thể làm quà tặng, làm vật trang trí mà giá cả lại phải chăng”.
Không dừng lại với 12 con giáp, vợ chồng anh Thuận còn làm những sản phẩm đòi hỏi tính mỹ thuật cao hơn như rồng, sư tử, kỳ lân hay ngựa thần… để cung ứng cho thị trường. Anh Thuận chia sẻ: “Chính nhờ cách này mà tôi giữ và truyền được nghề thổi thủy tinh cho lớp trẻ, không để mai một nghề truyền thống của cha ông”.
Hiện cơ sở của vợ chồng anh Thuận đang đào tạo nghề cho những người muốn theo nghề thủy tinh. Chỉ cần ba tháng học nghề là có thể thành thợ, với thu nhập bốn – năm triệu đồng/tháng. Bạn đọc có nhu cầu học nghề có thể liên hệ với anh Thuận theo địa chỉ trên, ĐT: 0903.315.377.
Lê Uyên Phương / Phụ Nữ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)