Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thời tiết bất thường, cực đoan kéo dài đến hết năm

Tạp Chí Giáo Dục

Thời tiết ở Việt Nam và trên thế giới đang thay đổi rất cực đoan do biến đổi khí hậu, nhiều quy luật không còn như trước. Từ nay đến cuối năm, các cơ quan khí tượng thủy văn dự báo sẽ dồn dập mưa, bão, lũ ở nước ta.
Năm nay mưa nhiều, Hà Nội liên tục ngập trong tháng 5 và 6
Năm nay mưa nhiều, Hà Nội liên tục ngập trong tháng 5 và 6
Theo ông Lê Thanh Hải, Tổng Thư ký Hội Khí tượng – Thủy văn Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng – Thủy văn (Bộ TN-MT), hiện tượng La Nina ở Việt Nam sẽ kéo dài đến mùa đông tới, ít nhất là đến Tết Nguyên đán 2023.
Giữa tháng 7-2022, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cũng đã cập nhật nhận định về dấu hiệu La Nina đang kéo dài hơn mức bình thường. Theo các chuyên gia của trung tâm này, dự báo hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 50-60%.
Trước đó, các chuyên gia nhận định La Nina chỉ tồn tại đến khoảng tháng 9 hoặc 10, sau đó sẽ chuyển về trạng thái trung tính (cân bằng). Còn theo TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, thông thường, các trạng thái như La Nina và El Nino chỉ hoạt động khoảng 2 năm là chuyển đổi sang trung tính, nhưng đợt La Nina đã hoạt động từ năm 2020 và kéo dài đến nay, cho thấy thời tiết đang có dấu hiệu bất thường so với trước.
Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cũng vừa thông tin, Cơ quan dự báo thời tiết Hoa Kỳ nhận định trạng thái La Nina có thể tiếp diễn qua năm 2022, song tỷ lệ hình thái thời tiết đặc trưng này trong các tháng 7, 8, 9 tại Bắc bán cầu giảm khoảng 60%. Dự báo này được đánh giá là chính xác khi nước Anh và nhiều quốc gia ở châu Âu vừa trải qua đợt nắng nóng kỷ lục đầu tiên trong lịch sử khí tượng, hàng trăm người ở xứ lạnh đã thiệt mạng do nắng nóng hơn 40oC. Trong khi tại Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước ở châu Á lại hứng chịu lũ lụt, mùa hè năm nay ít đợt nắng nóng, mưa nhiều hơn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, đặc trưng của La Nina là hình thành nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, cho biết, từ đầu năm đến nay, trên Biển Đông mới xuất hiện 1 cơn bão (Chaba). Dự báo từ nay đến tháng 1-2023, trên Biển Đông còn khoảng 9-11 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khoảng 4-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Xu thế là bão và ATNĐ cùng mưa lũ sẽ xảy ra dồn dập trong các tháng cuối năm 2022, trọng tâm có thể là tháng 10, 11.
Theo ông Lê Thanh Hải, bão và ATNĐ diễn ra trong các tháng 10, 11 và 12, ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ nhiều hơn so với các khu vực khác. Mùa mưa ở miền Trung từ tháng 9 đến tháng 12 được dự báo sẽ mạnh mẽ và ác liệt hơn. Đồng thời, năm nay, mùa mưa ở Nam bộ và Tây Nguyên cũng có nguy cơ sẽ kéo dài hơn so với mọi năm, đến đầu tháng 12. Trong khi mùa lạnh năm nay sẽ đến sớm hơn ở các tỉnh phía Bắc, mùa thu tới mưa nhiều hơn và mùa đông có thể sẽ rét hơn.
VĂN PHÚC (theo SGGP)

Bình luận (0)