Sự kiện giáo dụcTin tức

Thời tiết giao mùa, dịch bệnh bủa vây

Tạp Chí Giáo Dục

Các bệnh nhi TCM đang điều trị tại BV Nhi đồng I

Dù là mùa khô nhưng số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP.HCM  vẫn ở mức trên dưới 200 ca/tuần. Còn bệnh tay chân miệng (TCM) thì đang ở mức báo động dịch. Ngoài ra, bệnh cúm A/H5N1 cũng đang “hăm he” xuất hiện.  Đây là những cảnh báo mà lãnh đạo ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân…
TCM có nguy cơ lan rộng thành dịch
Có thể nói, năm 2011 là năm của dịch bệnh TCM. Và TP.HCM đứng đầu cả nước về số ca mắc cũng như tử vong. Tuy vậy, số ca bệnh chỉ bắt đầu tăng vào giữa tháng 3. Còn năm nay, số ca bệnh đã tăng ngay từ tháng 1. Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP.HCM, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2012, toàn thành phố đã ghi nhận 936 ca TCM, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2011 (302 ca). Trong đó, số ca mắc của tháng 1 là 438 ca, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 238 ca; số ca mắc của tháng 2 là 498 ca, trong khi tháng 2-2011 chỉ có 102 ca. Và nguy hiểm hơn là trong 2 tháng đầu năm đã có 1 ca tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc TTYTDP TP – cho biết: “Trung bình 143 ca/tuần, hiện nay dịch bệnh TCM tại TP.HCM đang ở ngưỡng báo động dịch. Theo đó chỉ cần tăng thêm 40 ca/tuần nữa là bệnh chuyển sang ngưỡng cảnh báo dịch lan rộng (> 180 ca/tuần). Nguy cơ tăng thêm này là rất cao, chỉ cần những phường, xã có từ 1-2 ca bệnh hiện nay tăng lên 2-3 ca thì mỗi tuần TP sẽ có khoảng 180 ca mắc”.
Hiện nay, dịch bệnh TCM rải đều ở 24 quận, huyện. Trong đó những quận, huyện có số ca mắc nhiều và có xu hướng tăng nhanh là Gò Vấp, Bình Chánh, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Tân, Q.12, Q.8, Tân Bình, Thủ Đức. Đặc biệt, toàn TP có 68 phường, xã có từ 3 ca bệnh trở lên. Điều này khiến cho ngành y tế hết sức lo ngại.
PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – lo lắng: “Mật độ dân cư ở TP đông nên mức độ lây lan rất nhanh. Càng ở những quận, huyện có đông dân nhập cư thì số ca mắc càng nhiều. Bởi, dân nhập cư thường đi liền với môi trường sống không đảm bảo, không vệ sinh. Rồi những nhóm trẻ gia đình chật hẹp với rất nhiều trẻ được nuôi giữ cũng là điều kiện lây lan dịch bệnh. Mặt khác, hiện nay dịch TCM đang tăng rất nhanh ở nhiều tỉnh, thành nên nguy cơ tăng nhanh ở TP là khó tránh khỏi”.
SXH sẽ tăng nhanh vào mùa mưa
Tại các địa phương khác, bệnh SXH chỉ xuất hiện theo mùa và khu trú ở một số địa bàn. Còn ở TP.HCM, bệnh SXH có quanh năm và ca bệnh có ở khắp nơi. Có lẽ vì vậy mà dù thời tiết nắng nóng 36-370C như hiện nay nhưng số ca mắc SXH trên địa bàn TP vẫn ở mức cao. 2 tháng đầu năm có 1.728 ca, trong đó tháng 1 là 943 ca, tháng 2 là 785 ca. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ ca nặng nhiều hơn những năm trước (2 ca tử vong/2 tháng đầu năm).
“Thời gian bước vào mùa mưa không còn nhiều, chỉ gần 2 tháng nữa. Do vậy, ngay từ bây giờ, các quận, huyện phải triển khai xử lý dịch trên diện rộng ở những phường, xã có từ 5 ca bệnh trở lên. Song song đó phải theo dõi diễn tiến bệnh ở 71 phường, xã có từ 3-4 ca bệnh để có hướng xử lý phù hợp. Nếu không vào mùa mưa số ca bệnh sẽ tăng rất nhanh”, bác sĩ Thọ nói.
Cùng thời điểm này, ngành y tế TP.HCM đang phải đối mặt với dịch cúm gia cầm và cúm A/H5N1 ở người. Với cúm gia cầm, gà vịt không qua kiểm dịch được bày bán ở nhiều nơi. Không chỉ có vậy, ở quận ven và huyện ngoại thành, người dân vẫn nuôi thả gia cầm khá nhiều. Còn ở các quận trung tâm thì nuôi gà đá… Đây là nguồn nguy cơ cao xảy ra dịch cúm gia cầm trên địa bàn TP.
“Ngày 6-3, một bệnh nhân 34 tuổi ở Đắk Lắk dương tính với cúm A/H5N1 đã được chuyển tới điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới (TP.HCM). Trước đó là một bệnh nhân ở Bình Dương cũng đã điều trị tại đây. Những ca bệnh từ nơi khác đưa về thành phố điều trị cũng là mối nguy cơ lớn cho TP”, ông Bỉnh cho biết.
Và ông Bỉnh khuyến cáo: “Người dân tuyệt đối không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, nấu chín thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm; thông báo ngay khi có gia cầm chết; không sử dụng thịt gia cầm chết; đi khám bệnh khi mắc bệnh đường hô hấp nghi ngờ cúm gia cầm”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh: “Bệnh TCM chưa có thuốc đặc trị, vì vậy cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện này vẫn là tuyên truyền người dân giữ vệ sinh. Đặc biệt là những gia đình có con dưới 5 tuổi. Riêng tại các trường mầm non phải có đủ vòi nước rửa tay cho trẻ; làm vệ sinh – khử khuẩn thường xuyên. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh phải cách ly, thông báo cho phụ huynh đưa trẻ đi khám…”.
 

Bình luận (0)