Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thời tiết thất thường, nông nghiệp lao đao

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, thời tiết diễn biến bất thường, như hết nắng hạn, mặn xâm nhập, lại mưa trái mùa, làm cho hàng ngàn hécta lúa, mía,  rau màu, bị thiệt hại nghiêm trọng. Mới đây, dịch “muỗi hành” lại xuất hiện hoành hành trên ruộng lúa, làm cho khoảng gần chục ngàn hécta lúa đông xuân ở Long An bị ảnh hưởng.

Bất an với thời tiết

Những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017, mưa nhiều bất thường kết hợp triều cường dâng cao bất ngờ, làm vỡ tràn nhiều tuyến đê khiến cho hàng ngàn hécta mía, chanh, rau màu, đậu phộng, mai… của người dân ở huyện Đức Hòa bị ngập sâu, thiệt hại nghiêm trọng. Tại xã Hựu Thạnh, có hơn 400ha rau màu bị thiệt hại. Ông Võ Văn Kê, ngụ tại ấp 3B, người bị mất trắng 2ha mía, than thở: “Từ trước tới giờ chưa thấy năm nào thời tiết bất thường, trớ trêu như năm nay. Trước tết, trong tết, sau tết, lúc nào cũng có mưa, rồi triều cường dâng cao làm cho hàng trăm hécta mía, rau màu, hoa kiểng bị mất trắng”. Cũng theo ông Kê và nhiều hộ dân ở đây, những năm trước, dù giá mía không ổn định, nhưng người dân vẫn có mía để bán, còn năm nay thiên tai như vậy nhưng chưa thấy địa phương hỗ trợ cho những gia đình bị thiệt hại. Tại xã An Ninh Tây, do mưa nhiều bất thường, nên nhiều diện tích đậu phộng bị hư hại, người dân phải xuống giống tới 2-3 lần, không thu hoạch kịp dịp tết nên nhiều người “trắng tay”. Theo thống kê bước đầu của ngành nông nghiệp Long An, số diện tích lúa, mía, rau màu, hoa kiểng,… bị thiệt hại nặng do mưa, triều cường trong dịp trước Tết Nguyên đán lên đến gần 3.000ha.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một nông dân ở xã Hưng Điền B (huyện Tân Hưng,Long An) buộc phải bỏ 3ha lúa bị nhiễm muỗi hành để trồng lại sen

Trong khi đó, mấy tuần nay, người dân ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An mất ăn mất ngủ vì dịch muỗi hành đã xuất hiện, hoành hành trên diện tích lớn lúa đông xuân ở đây. Điều làm người dân sợ nhất của dịch muỗi hành là không có thuốc nào để phun xịt phòng bệnh hay tiêu diệt được. “Khi phát hiện cọng lúa cứng đơ, thẳng băng như cọng hành coi như thua trắng, lúa đã bị nhiễm bệnh muỗi hành nặng rồi”, ông Nguyễn Đức Vinh, một nông dân ở ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, cho biết. Cũng theo ông Vinh, ngoài 1,5ha lúa đông xuân của ông đành cắt bỏ cho bò ăn vì đã bị nhiễm bệnh muỗi hành nặng (lúa bị nhiễm bệnh trên 70%-80%), ở địa phương còn có hộ ông Sáu Hồng phải bỏ gần 3ha; hộ ông Út Ngìn bỏ 2,5ha vì lúa không trổ được bông. 4ha lúa của ông Nguyễn Dư ở xã Thái Trị cũng thế. Riêng ông Lê Văn Vụ ở xã Khánh Hưng cũng bị thiệt hại gần 10ha, chi phí đầu tư gần 200 triệu đồng… Tại huyện Tân Hưng, nhiều bà con nông dân cũng đành ngậm ngùi đốt bỏ hoặc cài ải lại để trồng sen khi lúa đã bị nhiễm muỗi hành.

Mỏi mòn chờ hỗ trợ

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Long An, đến ngày 24-2, toàn tỉnh đã có hơn 10.000ha diện tích lúa đông xuân năm 2016-2017 bị nhiễm bệnh muỗi hành. Tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường. Riêng hai huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng có diện tích lúa bị nhiễm nặng cao nhất. Huyện Vĩnh Hưng, trong gần 7.000ha bị nhiễm bệnh, có gần 2.500ha bị nhiễm từ 50% – 70%. Còn huyện Tân Hưng, trong gần 2.500ha bị nhiễm thì có tới gần 1.100ha bị nhiễm nặng từ 50% – 70% .

Theo ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, sau khi có thông tin người dân bị thiệt hại nặng về lúa mía, rau màu, mai, do mưa lũ kết hợp triều cường,… ngành nông nghiệp đã khẩn trương thống kê những diện tích bị thiệt hại để đề xuất với UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ. “Ngành quyết tâm sớm hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại trước Tết Nguyên đán, nhưng đến giờ vẫn chưa hỗ trợ được cho huyện Đức Hòa là do đang chờ các huyện khác thống kê số diện tích bị thiệt hại để cùng hỗ trợ một lượt”, ông Hoàng cho biết. Cũng theo ông Hoàng, hiện tại Sở NN-PTNT đã chỉ đạo cho các phòng, ban liên quan tổng hợp số diện tích bị ảnh hưởng để trình lên UBND tỉnh có kế hoạch hỗ trợ bà con. Mức hỗ trợ tùy vào loại cây trồng và diện tích bị thiệt hại. Riêng lúa bị nhiễm muỗi hành thì không nằm trong diện được hỗ trợ. 

Trong buổi tọa đàm mới đây bàn các giải pháp quản lý muỗi hành (sâu năn) trên lúa đông xuân 2016-2017, tiến sĩ Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam ( Bộ NN-PTNT) cho biết, bệnh sâu năn (hay còn gọi là bệnh muỗi gây lá hành, bệnh muỗi hành) không chỉ xuất hiện gây hại lúa ở Long An, mà chúng đã xuất hiện tại 6 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, như Đồng Tháp, An Giang, Kiêng Giang. Bệnh muỗi hành xuất hiện từ lâu ở khu vực ĐBSCL nhưng diện tích nhiễm ít, mức độ gây hại cũng không cao (khoảng 10%-30%). Nguyên nhân năm nay là do thời tiết bất thường, người dân không chủ động được nguồn nước, gieo sạ lúa liên tục, không nghe theo khuyến cáo của cơ quan chức năng… Để xử lý, trước mắt là nắm sát tình hình sâu bệnh; tiếp tục bón phân để những chồi chưa nhiễm phát triển, trổ bông; rút nước cạn để hạn chế muỗi hành gây hại. Về biện pháp lâu dài là dùng bẫy đèn để bắt muỗi, dự báo muỗi hành xuất hiện; tuân thủ lịch thời vụ xuống giống của cơ quan chức năng; không xử lý hạt giống trước khi gieo sạ; không phun thuốc trừ sâu sớm. Đồng thời, ông Cường cũng khuyến cáo người dân không nên gieo sạ lại lúa khi đã bị nhiễm bệnh vì nó sẽ tái nhiễm ngay.

 KIẾN VĂN (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)