Tòa soạnThư đi – tin lại

Thời trang “thần chết” xuống phố

Tạp Chí Giáo Dục

Chiếc áo có hình đầu lâu kinh dị như thế này xuất hiện nhan nhản trên đường phố

Các kiểu áo thun bó sát người, hở cổ, khoe rốn đối với một bộ phận giới trẻ nam, nữ chỉ còn trong dĩ vãng mà thay vào đó “mốt” ăn mặc kinh dị: những chiếc áo có in hình đầu lâu, xương xẩu… mới là sành điệu.
“Thần chết” xuống phố
Chiều cuối tuần, hơn chục cô cậu choai choai đèo nhau dạo quanh trung tâm thành phố trong những bộ trang phục hết sức quái gở. Dường như tất cả rất tự tin khi xung quanh có hàng trăm con mắt đổ dồn về phía mình. Qua ngã tư đèn đỏ, nhiều người lắc đầu ngao ngán vì phía trước hiện ra những hình ảnh đáng sợ chỉ có trong phim ma, phim kinh dị như xương người, đầu lâu, mặt quỷ… Một người tuổi trung niên trờ tới bên cạnh nhìn về phía tôi, lắc đầu nói: “Không biết tụi nhỏ nghĩ sao khi mặc những chiếc áo không giống ai này, phản cảm quá”.
Kiểu ăn mặc như thế này không phải là hiếm, nhất là khi phố lên đèn. Quần Jeen hoặc quần soọc luôn đi cùng với những chiếc áo thun không cổ, sau lưng in hình “thần chết” ngập tràn đường phố. Để tăng thêm phần chú ý của mọi người, nhiều bạn trẻ còn chọn cho mình những chiếc áo đính kim tuyến lấp lánh khi có ánh sáng rọi vào. “Có lần con gái 3 tuổi của tôi khóc ré lên vì sợ hãi. Bất thình lình hình ảnh ấy xuất hiện trước mặt, chúng tôi còn phải giật thót mình huống hồ chi con nít”. Anh Nguyễn Văn Chí, tiểu thương chợ Hòa Bình, quận 5 nói.
Dạo một vòng quanh khu bán quần áo trên đường Nguyễn Trãi, ở đây được xem là “thánh địa” của những mẫu trang phục kinh dị này. Ghé vào cửa hàng quần áo Tuấn Long, tôi đề nghị cô bán hàng cho xem một vài kiểu áo có in hình “thần chết”. Đáp lại tôi là một cái nhìn nửa tò mò, nửa nghi ngờ điều gì đó. Tôi mở miệng nói lại lần thứ hai, cô ta mới đáp: “Kiểu áo này cậu mặc không hợp đâu, chỉ dành cho các cậu “quậy” thôi. Cô ta nói cũng phải, với bộ trang phục công sở như tôi đang mặc lúc đó thì biết chẳng phải “gu”. Tôi tiếp: “Không, tôi mua cho thằng cháu 15 tuổi, nó cứ đòi nằng nặc”. Nghe lọt tai, cô vào hàng áo treo phía trong dùng móc đưa xuống 5 chiếc áo với 5 hình đính sau lưng khác nhau như hình hai con rắn đang lè lưỡi quấn lấy nhau; hình chiếc đầu lâu nằm bên cạnh là máu me, hình mặt quỷ nhe hàm răng sắc nhọn… Mỗi chiếc áo có giá từ 80 đến 250 ngàn đồng tùy vào chất lượng vải và hình có “độc”, lạ hay không.
Chị Hạnh, chủ cửa tiệm thời trang Xuân Thì cạnh đó cho hay: “Trước đây tôi chỉ mua bán quần áo cũ, gần đây nhiều thanh, thiếu niên đến hỏi mua những chiếc áo in hình chết chóc kia thì tôi cũng lấy hàng về bán. Mỗi ngày tôi bán không dưới 50 áo, giá cao nhưng không có hàng để bán”.
Không chỉ có nam mới chuộng kiểu áo xương cốt rùng rợn, nhiều bạn nữ cũng muốn thể hiện đẳng cấp, luôn săn lùng những mẫu áo mới lạ để theo kịp trào lưu. Nữ sinh Hải Kiều, lớp 11 ở quận Phú Nhuận cho biết: “Em có ba cái áo với màu sắc và hình ảnh khác nhau. Mặc áo này ra đường một mình cũng ngại lắm nhưng đi chung với bạn mình rất tự tin”. Kiều còn cho biết thêm, mấy chiếc áo này là bạn trai của Kiều mua theo cặp nam, nữ (áo tình nhân – NV) có giá không dưới 300 ngàn đồng/ cặp.
Nhuốm màu bạo lực
Không thua các cửa hàng thời trang nằm ở trung tâm thành phố, các cửa hàng ở một số quận, huyện vùng ven TP.HCM không khí mua bán áo kinh dị sôi nổi không kém. Thượng đế đa phần là các thanh thiếu niên, lao động ở các công trình, khu công nghiệp. Anh Nguyễn Văn An, bán quần áo ở lề đường An Dương Vương, quận 6 nói: “Chúng tôi chỉ dám lấy áo giá rẻ, chất lượng vải kém, hình ảnh không bắt mắt nhưng người lao động thu nhập thấp rất thích. Anh cứ đến khu này vào buổi tối, thanh niên trai tráng ai cũng diện những chiếc áo như thế này đi dạo, uống cà phê”.
Trần Trung Cường, sinh viên năm thứ 1 Trường ĐH Mở TP.HCM tâm sự: “Mình nằm trong ban cán sự lớp, thấy các bạn ăn mặc kiểu rùng rợn đến lớp trông rất phản cảm nhưng không biết phải nói sao vì đó là sở thích của mỗi người. Trong khi đó, phía nhà trường cũng không có một quy định nào cấm sinh viên ăn mặc như thế. Trong lớp mình, có một nhóm hơn chục bạn nam, nữ đua đòi thường xuyên đi săn lùng áo “độc”, thậm chí còn đặc cọc trước để đợi lấy hàng”.
Theo lời của chị Hạnh, ban đầu các cửa hàng quần áo còn lấy hàng của Thái Lan, Trung Quốc. Về sau, áo “độc” đắt như tôm tươi, nắm bắt được nhu cầu này các cơ sở in ấn ở quận Tân Bình, Tân Phú cũng đã ăn cắp mẫu để in rồi đi chào hàng. Tuy mẫu mã không đẹp, hình ảnh không sắc nhưng phần nào đáp ứng nhu cầu của giới trẻ.
Nhiều bạn trẻ nhận định, phải ăn mặc như vậy mới là sành điệu. Với những hình các thanh đao, kiếm vắt chéo lên nhau, gác lên một cái đầu lâu đầy máu me… là thể hiện nam tính, mạnh mẽ. Còn các cô nữ thì nhẹ nhàng, lãng mạn hơn với chiếc áo có hình hai cái đầu lâu nhìn về nhau hay hai trái tim lồng vào nhau và một mũi tên đâm xuyên qua rỉ máu.
Trần Tuy An
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Dung, Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục TP.HCM chia sẻ: “Chưa bao giờ giới trẻ chúng ta có kiểu ăn mặc kỳ cục như vậy. Kiểu ăn mặc sặc mùi bạo lực, gớm ghiếc ấy là xu hướng bệnh hoạn bạo lực cần ngăn chặn. Hình ảnh phản cảm phía sau lưng áo sẽ để lại những hiểm họa lớn, ngay từ bây giờ, các trường, các bậc phụ huynh phải biết nói không với kiểu ăn mặc phản giáo dục của con em chúng ta”.
 

Bình luận (0)