Thời trang cho lứa tuổi mới lớn có nhu cầu cao nhưng hiện 70% là hàng ngoại nhập, chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm đến đối tượng tiêu dùng này.
Lứa tuổi mới lớn thích sự mới lạ, nổi bật, lại thay đổi nhanh. Các nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp trong nước dường như chưa quan tâm đến nhu cầu của lứa tuổi này. Cần có sự phối hợp tốt giữa nhà thiết kế, sản xuất và phân phối… mới mong giành lại sân nhà.
Hàng ngoại tiếp cận nhanh
Ông chủ cửa hàng Cát Tường Fashion trên đường Võ Văn Tần, (quận 3-TPHCM) cho biết độ tuổi từ 13 đến 19 nắm bắt xu hướng thời trang nước ngoài rất nhanh qua mạng, nhóm khách hàng lứa tuổi này hiện mua sắm nhiều hơn cả giới văn phòng. Không chỉ ở các cửa hàng thời trang mà tiểu thương bán quần áo ở chợ bán lẻ cũng chuyển dần sang nhóm hàng này.
May quần áo xuất khẩu tại Tổng Công ty CP May Việt Tiến.
Ảnh: HỒNG THÚY
Theo người bán, khoảng 70% hàng cho tuổi mới lớn được nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông. Thương nhân đã nhìn ra phân khúc thị trường không nhỏ. Thứ tự ưu tiên hàng đầu là kiểu dáng mới, lạ, rồi mới tới chất liệu, mỗi kiểu đồ nữ đứng được lâu nhất là một tháng, hàng nam có thể tới hai tháng. Do thị hiếu lứa tuổi này thay đổi nhanh, tiểu thương dù muốn đặt hàng trong nước cho rẻ cũng không đủ thời gian.
Những đầu mối bán sỉ hàng thời trang ngoại nhập cho tuổi teen hầu hết là người thạo internet, bán hàng qua mạng. Người mua cũng thích đặt hàng qua mạng vì trên đó có đủ hình ảnh, giá cả, linh hoạt trong cách mua bán và thanh toán. Chính sử dụng tốt công nghệ thông tin nên hầu như các đầu mối nhập hàng không bị hàng tồn nhiều vì đã biết số lượng từng mẫu được đặt tương đối chính xác.
Trong nước chậm chân
Nhu cầu của tuổi mới lớn không phải là mới, thế nhưng, hầu hết doanh nghiệp ngành may mặc trong nước thờ ơ với lứa tuổi này. Số quan tâm chỉ mới là những công ty, cơ sở quy mô nhỏ.
Ông Phạm Quốc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Molo, tâm sự: “Làm hàng cho lứa tuổi này khó nhất”. Cách đây 6 năm, ông quyết định sản xuất hàng thời trang tuổi mới lớn nhãn hiệu Molo. Lúc đầu đưa ra mẫu mã cho nữ nhóm tuổi này, thấy toàn các cô 25 – 26 tuổi mua, ông mới biết thiết kế không đúng thị hiếu. Mất khoảng một năm rưỡi điều chỉnh, những mẫu thiết kế của Molo mới “bén rễ”.
Theo những người trong cuộc, thời trang trong nước cho tuổi này phát triển chậm vì mạng lưới phân phối hạn hẹp, thiết kế vẫn chưa thật phong phú. Doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu thì chỉ sản xuất hàng cho hệ thống cửa hàng của mình, không dùng kênh phân phối của tiểu thương chợ đầu mối vì sợ hàng hiệu biến thành hàng chợ. Còn các cơ sở đưa hàng ra chợ đầu mối cũng chưa đủ sức thay đổi nhanh mẫu mã. Sự xuất hiện quá ít khiến hàng trong nước trở nên mờ nhạt, để hàng ngoại lấn sân.
Doanh nghiệp muốn thông qua kênh siêu thị cũng vấp phải sự thờ ơ. Bà Phạm Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phạm Gia, cho biết công ty đã sản xuất hàng quần áo cho nam tuổi mới lớn, có đủ khả năng ra mỗi tháng nhiều mẫu mới. Nhưng điều đáng buồn là dường như siêu thị không mấy hào hứng với nhà cung cấp trong nước mà lại chuộng nhập hàng tuổi mới lớn từ Thái Lan, Trung Quốc, bán với giá tương đương hoặc cao hơn.
Theo thống kê dân số gần đây, độ tuổi từ 10 đến 19 chiếm khoảng 20% tổng dân số, tức khoảng 17 triệu người, chứng tỏ lượng khách hàng khá đông. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp tiếp cận nhóm khách hàng này thế nào để người tiêu dùng tuổi mới lớn Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam.
Nguyễn Vân / NLĐ
Bình luận (0)