Con phố rộn ràng người tham quan, thưởng lãm Trà, Cà phê Arabica… |
Trong suốt thời gian diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017, người dân và du khách đã đặt tên con đường nhỏ (Hồ Tùng Mậu, dài chừng 700m) uốn lượn dưới tán rừng thông rất đẹp là “Con phố thơm lừng…”. Bởi “Phố Trà – Cà phê – Rượu vang và Đặc sản Đà Lạt – Lâm Đồng” là điểm tham quan, mua sắm và thưởng thức loại thức uống mà nhân loại cả thế giới đều “nghiện” – cà phê…
Vui nhất, “rộn ràng” nhất khi được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép kéo dài thời gian hoạt động một số điểm tại Festiaval Hoa Đà Lạt để phục vụ du khách Tết Dương lịch 2018 là chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), những hộ gia đình có cửa hàng trưng bày sản phẩm trên “Phố Trà – Cà phê – Rượu vang và Đặc sản Đà Lạt”!
Niềm vui như “nhân đôi” cho những doanh nghiệp ở xa Đà Lạt, có cơ sở sản xuất đặt tại các huyện, hay các địa phương khác tham gia “Phố Trà – Cà phê – Rượu vang và Đặc sản Đà Lạt – Lâm Đồng”. Bởi có nhiều cơ sở kinh doanh cà phê, trà… lần đầu tiên tham gia “ngày hội lớn”, có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến đông đảo khách hàng trong và ngoài nước…
Quan sát gần 30 gian hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm trên con phố này, có mặt hầu hết các thương hiệu nổi tiếng của Đà Lạt – Lâm Đồng như sản phẩm trà (Olong, Atiso, trà dược liệu…); Rượu vang Đà Lạt nổi tiếng mà các quan chức 2 lần dự Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam (năm 2006 và 2017) đều được nếm qua; sản phẩm hồng treo, đông trùng hạ thảo; đặc biệt, chiếm số lượng lớn là sản phẩm cà phê các loại: từ cà phê nhân (trực tiếp rang, chế biến phục vụ tại chỗ theo yêu cầu của khách) đến sản phẩm đóng gói gồm nhiều loại cà phê nổi tiếng trong và ngoài nước (Arabica, cà phê chồn…). Tất cả hương thơm của trà, đặc sản, mùi hương của cà phê dịu ngọt hòa quyện với hương hoa của xứ sở ngàn hoa làm cho con phố nhỏ thơm lừng níu chân lữ khách!
Trong đêm Bế mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao tặng biểu trưng thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 125 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh thuộc 4 nhóm sản phẩm, dịch vụ (hoa, trà, cà phê Arabica và du lịch canh nông); trong đó có 20 công ty, HTX và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cà phê Arabica. Đặc biệt, giống cà phê Arabica Bourbon được người Pháp trồng đầu tiên trên đảo Bourbon (Réunion) nằm giữa Ấn Độ Dương vào năm 1708. Chính giống cà phê này, người Pháp đã mang đến Việt Nam trồng tại một số đồn điền. Và, trên cao nguyên Lâm Viên, Arabica Bourbon (người Đà Lạt thường gọi cà phê Moka) được người Pháp cho trồng ở những vị trí có độ cao từ 1.500m so với mực nước biển, nhất là vùng Đà Lạt…
Chênh chao giữa con phố sực nức mùi thơm của hoa, của trà, các loại đặc sản xứ núi và thưởng thức ly cà phê Arabica đặc biệt thơm ngon – thức uống có nguồn gốc lâu đời nhất, sành điệu nhất của nhân loại trên toàn thế giới giữa khí trời vào xuân se lạnh của Đà Lạt, thử hỏi có “thượng đế” nào hạnh phúc bằng…
Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)