Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thông cáo báo chí số 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 28-10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 7 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Theo đó, Quốc hội tiến hành các nội dung sau:

Nội dung 1 ( từ 8 giờ đến 15 giờ 30): Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; xem video clip về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Sau đó, Quốc hội thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề nêu trên. Tại phiên thảo luận đã có 24 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 9 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận, trong đó đa số ý kiến nhất trí với Báo cáo và dự thảo Nghị quyết, cho rằng Báo cáo đã cung cấp thông tin chi tiết, toàn diện; đánh giá chính xác, khách quan các vấn đề còn tồn tại, đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung sau: sự đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra của cuộc giám sát; thực trạng quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; kết quả đạt được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; tính phù hợp, khả thi của các giải pháp trước mắt và lâu dài trong Báo cáo và dự thảo Nghị quyết…; đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới (như: Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2015-2023; xử lý dứt điểm đối với các các dự án bất động sản gặp khó khăn; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương xử lý các dự án còn vướng mắc; coi trọng mối quan hệ cung cầu và yếu tố thị trường trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; tăng cường tính minh bạch trong thị trường tín dụng bất động sản và thị trường giao dịch nhà ở thứ cấp; đề nghị Chính phủ đưa hàng hóa bất động sản thuộc đối tượng phải kê khai giá; khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên cùng với các giải pháp đồng bộ để khắc phục, bình ổn giá nhà; kiểm soát chặt chẽ dư nợ trái phiếu bất động sản).

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần làm rõ việc không hợp thức hóa các sai phạm đối với các dự án bất động sản trong dự thảo Nghị quyết; cơ cấu lại quy hoạch địa phương và ưu tiên phát triển nhà ở xã hội (mua, thuê hoặc thuê mua) ở các thành phố lớn, các khu vực tập trung đông khu công nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp lý cho nhà ở xã hội; có chính sách, cơ chế tài chính, tín dụng hấp dẫn cho chủ đầu tư và đối tượng sử dụng nhà ở xã hội, đồng thời bảo đảm chất lượng xây dựng công trình; xây dựng hệ thống thông tin công khai, minh bạch về thị trường bất động sản; tăng cường điều tra phát hiện, xử lý các hành vi đẩy giá, đầu cơ để trục lợi trên thị trường bất động sản; quan tâm ứng dụng công nghệ, vật liệu mới thân thiện với môi trường trong xây dựng, phát triển nhà ở; nghiên cứu giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê…

Kết thúc thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nội dung 2 ( từ 15 giờ 30): Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hôm nay (29-10): Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

TTXVN

Bình luận (0)