Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thông điệp giáo dục gia đình từ một vở kịch

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong vở Mẹ và người tình

Kết thúc mở bằng hình ảnh người mẹ đổ gục xuống trước sự thật quá phũ phàng về những “đứa con hoàn hảo” của mình đã khiến cho toàn bộ khán giả lặng im phăng phắc rồi sau đó vỡ òa với những tràng pháo tay vang dội. Câu chuyện về bi kịch của một gia đình trí thức trong Mẹ và người tình (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Minh Nhí) đã thật sự chinh phục khán giả qua tài diễn xuất rất xuất thần của toàn bộ diễn viên Sân khấu Kịch Hồng Vân (diễn tại rạp Kim Châu).
Bất kỳ ai mới nhìn vào gia đình của bà Xuân (NSƯT Hồng Vân) đều có cảm nhận rằng đó là một đại gia đình hạnh phúc, lý tưởng. Chồng mất sớm, một tay bà Xuân đã nuôi dạy năm người con khôn lớn: Thịnh (Xuân Trang) sắp lên chức viện trưởng, Vinh (Đức Hải) là một doanh nhân thành đạt, Hùng (Bình Minh) là một chiến sĩ được ghi công, Dũng (Hải Anh) đi du học nước ngoài, Lan (Thanh Vân) xinh đẹp và học giỏi. Những người con cũng yêu thương bà Xuân hết mực, luôn răm rắp làm theo mệnh lệnh cũng như mọi sự sắp đặt của bà. Thế nhưng, tất cả các trật tự ấy đã bắt đầu đảo lộn khi trong buổi tiệc mừng sinh nhật lần thứ 60 của mình, bà Xuân đưa về giới thiệu với các con ông Sơn (Đức Sơn) – một giáo viên dạy văn đã về hưu, cũng góa vợ đồng thời tuyên bố sẽ “bước thêm bước nữa” cùng với người này. Trước quyết định của mẹ, những đứa con vốn quen khuất phục bề ngoài không dám phản kháng nhưng bên trong lại âm thầm bày ra nhiều trò “ném đá giấu tay” để gây chia rẽ mẹ mình và người tình. Những đứa con không chỉ sợ mẹ bị ông Sơn “dụ dỗ” để chiếm đoạt tài sản mà họ còn sợ bị “hoen ố” uy tín của bản thân mình. Mẹ đi lấy chồng sẽ khiến cho việc thăng chức viện trưởng của Thịnh bị lung lay, bạn bè kinh doanh sẽ cười vào mặt Vinh, gia đình người yêu của Lan coi thường… Việc này, có thể nhiều người sẽ chê trách những người con quá nhẫn tâm và ích kỷ với mẹ. Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại toàn bộ diễn biến câu chuyện, người xem không khó nhận ra phần lỗi cũng thuộc về người mẹ. Vì muốn có những “đứa con hoàn hảo”, bà Xuân đã giáo dục các con bằng cách áp đặt bởi chính suy nghĩ của mình từ hôn nhân, sự nghiệp cho đến lối sống.
Có thể nói, Mẹ và người tình là vở chính kịch nặng ký đầu tiên trên sân khấu của Minh Nhí trong vai trò đạo diễn. Đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét: “Minh Nhí đã tìm lại đúng cái chất của anh trong những ngày làm giảng viên của Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM. Những năm tháng anh cùng học trò miệt mài dựng chính kịch để thi học kỳ, thi tốt nghiệp, hoàn toàn không có dấu ấn nào của một “anh hề” trên sân khấu thị trường”. Các nghệ sĩ miền Bắc như Đức Sơn, Đức Hải, Bình Minh, Bích Ngọc, Lan Phương đã “thổi” vào sân khấu miền Nam một luồng gió mới, độc đáo.
Bài và ảnh: SONG MINH

Bình luận (0)