Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thống đốc yêu cầu giảm lãi suất cho vay 1- 1,5%/năm

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng nay 30-1, Ngân hàng nhà nước tổ chức buổi thông báo về chỉ đạo của Thống đốc trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2015.

Theo đó, Thống đốc giao cho các ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay 1-1,5%. Về xử lý nợ xấu, người đứng đầu Ngân hàng nhà nước cũng nghiêm cấm các ngân hàng che giấu nợ xấu, lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi.

Bà Nguyễn Thị Hồng, phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước: Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng thương mại phải tiếp tục chủ động trong việc cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi suất cho vay”.

Cụ thể, trao đổi với báo giới, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết cơ quan này vừa ban hành hai chỉ thị của thống đốc về điều hành chính sách tiền tệ và tăng cường xử lý nợ xấu trong năm 2015.

Về điều hành chính sách tiền tệ, theo bà Hồng, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng phải bảo đảm phải thanh khoản, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm. Toàn các tổ chức tín dụng phải cố gắng cân đối vốn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn đối với sản xuất kinh doanh.

Năm 2015, ngành ngân hàng đặt ra định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, tín dụng tăng khoảng 13-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Riêng đối với tỉ giá, mức điều chỉnh không quá 2%. Ưu tiên tập trung tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, bản thân các ngân hàng thương mại phải tiếp tục chủ động trong việc cơ cấu lại các khoản nợ” – bà Hồng cho hay.

Đồng thời, cũng theo bà Hồng, trong chỉ thị về tăng cường xử lý nợ xấu, Thống đốc cũng yêu cầu toàn ngành ngân hàng phấn đấu đến cuối năm đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%.

Để đạt được mục tiêu này, Ngân hàng nhà nước đặt ra một loạt các giải pháp như trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án mua, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Đồng thời, cơ quan này cũng tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng và bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống…

Đối với các tổ chức tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh, trong chỉ thị, Thống đốc nghiêm cấm sử dụng biện pháp che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh. Nghiêm cấm lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng phải xây dựng và báo cáo Ngân hàng nhà nước kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2015 (chi tiết chỉ tiêu xử lý nợ xấu cho từng tháng), trong đó có các giải pháp về sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho Công ty Quản lý nợ (VAMC). Lộ trình xử lý nợ xấu phải đảm bảo đến cuối tháng 6 năm nay phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu…

VAMC tăng cường phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, bán và xử lý nợ, tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu đã mua. Bên cạnh đó, VAMC tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia mua, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm…

LÊ THANH

(TTO)
 

Bình luận (0)