Trong năm 2022, thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.
Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2022, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023
Đây chính là một trong những kết quả nổi bật của công tác báo chí trong năm 2022, được ông Trần Thanh Lâm – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu ra tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2022, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.
Ông Trần Thanh Lâm cho biết, năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu. Trong nước, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra. Trong bối cảnh đó, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tình hình thực tiễn đất nước, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nổi bật phải kể đến thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và 6; các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng trong cả nước; các kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ, Quốc hội….
Thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có chiều sâu. Phân tích, nêu bật kết quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú, sắc nét.
Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời có những quy định về xử lý nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí.
Công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được tiến hành một cách bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí. Năm 2022 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 1 tổng biên tập báo. Những giải pháp trên đang tạo ra sự chuyển biến rất cơ bản và tích cực trong hoạt động báo chí.
Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận cho người dân; thực hiện chuyển đổi số báo chí.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng công tác báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn thực hiện kéo dài, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Một số sở thông tin và truyền thông chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí trên địa bàn. Vai trò của Hội Nhà báo các cấp vẫn còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam;
Vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt, đặc biệt đối với cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp: buông lỏng trong quản lý, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin cũng như đầu tư cho hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc; không có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài. Công tác đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ quan báo chí chưa được chú trọng thường xuyên.
Một số cơ quan báo chí tỷ lệ giữa thông tin tích cực và thông tin về mặt trái chưa cân đối; tính định hướng, tính dẫn dắt của báo chí trong một số vụ việc, trường hợp cụ thể còn chậm, thiếu nhạy bén. Tình trạng “báo hóa” tạp chí, các biểu hiệu “tư nhân hóa” báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để…
Những hạn chế, thiếu sót trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, kinh tế báo chí ngày càng khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, xung đột vũ trang và cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới. Đội ngũ cán bộ phân công phụ trách kinh tế của nhiều cơ quan báo chí còn hạn chế về năng lực, trình độ quản lý báo chí cũng như quản trị tài chính.
Mặt khác, sự phát triển của công nghệ và các nền tảng số diễn ra mạnh mẽ nhưng việc đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật của cơ quan báo chí còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu. Việc tìm kiếm đối tác công nghệ; nguồn vốn đầu tư; nhân lực có trình độ công nghệ thông tin để chuyển đổi số gặp rất nhiều khó khăn…
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan hội; 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chủ quản báo chí; 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đối với cơ quan báo chí.
N.Trinh
Bình luận (0)